Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang xin ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung quyết định về việc phân cấp cấp giấy phép kinh doanh karaoke trên địa bàn.
Theo quy định hiện nay, karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện, được quy định bởi các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, an ninh trật tự, phòng cháy, phòng chống tệ nạn xã hội, bản quyền tác giả…
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, việc các cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của nhân dân. Tuy nhiên, dịch vụ karaoke cũng tiềm ẩn tệ nạn xã hội, nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ trên, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh karaoke cần có sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, UBND các cấp.
Dự thảo do Sở Văn hóa và Thể thao soạn thảo, đề xuất UBND TP Hà Nội tiếp tục giao các quận, huyện cấp giấy phép kinh doanh karaoke. Cùng chịu trách nhiệm với các quận, huyện trong quản lý dịch vụ karaoke hiện nay còn có Sở Văn hóa và Thể thao, Kế hoạch - Đầu tư, Công an TP.
Căn cứ quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn quản lý, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đề xuất UBND TP bổ sung các Sở Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Công Thương, Du lịch, Tài chính thực hiện các chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, việc bổ sung 6 sở cùng quản lý hoạt động của quán karaoke nhằm nâng cao trách nhiệm và thực hiện các công tác chuyên sâu của mỗi đơn vị.
Cụ thể, theo đề xuất, Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn về việc bảo đảm quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn, quy định về môi trường theo quy định của pháp luật tại cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về công tác quản lý nhà nước về lao động, phòng chống tệ nạn xã hội.
Sở Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn công tác cấp giấy phép xây dựng công trình biển hiệu quảng cáo; hướng dẫn, kiểm tra về hình thức, kết cấu cửa phòng hát, cầu thang, lối thoát hiểm theo quy định.
Còn Sở Công Thương chịu trách nhiệm quản lý hoạt động khuyến mại, tiếp thị, kinh doanh đồ uống, sản phẩm rượu, bia, thuốc lá và các hàng hoá, dịch vụ khác thuộc phạm vi, chức năng quản lý.
Sở Du lịch chịu trách nhiệm phối hợp với UBND cấp huyện trong công tác cấp, điều chỉnh giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke.
Theo dự thảo, Sở Tài chính phối hợp với cơ quan có liên quan trong công tác quản lý thu thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác.
Như vậy, theo dự thảo, sẽ có 9 sở, ngành của TP Hà Nội gồm: Sở Văn hóa và Thể thao, Công an TP, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Sở Du lịch, Sở Tài chính và UBND các quận, huyện các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm về kinh doanh karaoke, vũ trường.
Trên địa bàn TP Hà Nội có tổng số 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Trong đó có 733 cơ sở do cơ quan công an quản lý, 805 cơ sở do UBND cấp xã quản lý.
Qua đợt rà soát mới đây, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động hơn 1.100 quán karaoke, bar, vũ trường không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.
Theo Quang Phong (VietNamNet)