Cũng theo thông tin được đăng tải đã có 8 xe tải chở gần 10 tấn cá đã được phóng sinh, trong đó, có cả loài cá chim trắng.
Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Nghiêm Giám, đệ tử của Thượng tọa Thích Chân Quang (chùa Phật Quang - núi Dinh, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết, việc phóng sinh là truyền thống tốt đẹp, thể hiện lòng từ bi của người con Phật.
Về việc phóng sinh ở khu vực sông Hồng của Bát Tràng (Hà Nội), theo Đại đức Nghiêm Giám, đó là truyền thống của nhà chùa, đã diễn ra được 3 - 4 năm nay.
"Trong Kinh Phật đã dạy phóng sinh là để mình gieo thiện nghiệp, tạo phước báu và bệnh tật được tiêu trừ...
Việc chùa thực hiện lễ phóng sinh ở khu vực Bát Tràng đã diễn ra được 3 - 4 năm qua và nhân dân quanh đó đều biết, hưởng ứng rất đông, mỗi lần tổ chức đều có từ 3.000, thậm chí đến 5.000 - 6.000 người tham dự", Đại đức Nghiêm Giám nói.
Về lễ phóng sinh diễn ra vào ngày 5/2 vừa qua tại sông Hồng, theo Đại đức Nghiêm Giám, buổi lễ được Thượng tọa Thích Chân Quang cùng các thầy trụ trì chùa Tương Mai, Bát Tràng thực hiện.
Ảnh phật tử chuẩn bị phóng sinh loài cá chim trắng. Ảnh: Vietnamnet. |
"Buổi lễ hôm 5/2 tổ chức, nhà chùa có đặt mua theo đầu mối khoảng 7 tấn cá các loại để tiến hành phóng sinh. Trong đó, có khoảng 2 tấn cá mè trắng, 2 tấn cá trôi, 1,5 tấn cá chép, 1,5 tấn cá trê.
Các loại cá được chọn phóng sinh đều đã được tham khảo và phù hợp với môi trường ở đây chứ không phải thả bừa, không tham vấn", Đại đức Nghiêm Giám thông tin.
Cũng theo Đại đức này, thì trong quá trình buổi lễ diễn ra, một số gia đình phật tử, người dân có gửi kèm vào các loại ốc, cá và các loại thủy, hải sản sống dưới nước được để phóng sinh.
"Ở đây, chắc có lẽ không biết nên trong lúc đông người, một số người dân mới mua loại cá chim trắng rồi chuyền xuống để thả. Việc này là ngoài sự kiểm soát của chúng tôi và cũng nằm ngoài lượng cá mà đã đặt mua đúng chúng loại trước đó.
Tuy nhiên, sau khi có thông tin đăng tải, chúng tôi cũng đã có liên lạc với cơ quan chức năng của ngành thủy sản thì được biết, loại cá chim trắng mà hình ảnh chụp đó là loại được phép nuôi trồng và không nằm trong danh mục cấm, gây hại cho môi trường.
Còn loại cá bị cấm là loại cá hổ hay cá cọp ở Nam Mỹ cũng nguy hiểm như rùa tai đỏ nên không có chuyện thả loại này.
Chúng tôi cũng mong rằng, mọi thông tin cần được tìm hiểu rõ ràng chứ không nên đưa như vậy, khiến mọi người hiểu chưa đúng vấn đề", Đại đức Nghiêm Giám bày tỏ.
Trước đó, một phật tử của chùa Phật Quang tham gia giúp đỡ việc liên hệ, đặt mua cá cũng khẳng định, số cá chim trắng được chụp ảnh trong buổi lễ phóng sinh tại sông Hồng ngày 5/2 không phải do chùa đặt mua mà do một số phật tử, người dân tự mang đến.
Còn sư thầy Thích Đàm Thu, trụ trì chùa Tương Mai (Hà Nội) cũng khẳng định, số cá chim trắng phóng sinh hôm 5/2 ở sông Hồng không phải của nhà chùa mà của Phật tử mang đến thả cùng, gây nhầm lẫn.
Chiều tối 8/2, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, đã nắm được thông tin và đã giao các đơn vị chức năng phối hợp kiểm tra việc thả cá chim trắng tại lễ phóng sinh xuống sông Hồng vào ngày 5/2. Còn Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, trong đạo Phật phóng sinh là truyền thống tốt đẹp, thể hiện tôn trọng sự sống của mọi loài. Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, đạo Phật không có quy chuẩn hay quy định cụ thể về việc phóng sinh còn người phóng sinh phải tự biết làm như thế nào để có lợi cho sự sống của loài khác. "Việc phóng sinh những loài mà làm ảnh hưởng đến môi trường, đến sự sống khác thì mình cũng không nên và phải tránh", Hòa thượng Thích Gia Quang nêu rõ. |
Theo Hoàng Đan (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)