Đề thi bị tuồn ra ngoài: Điều tra đối tượng 'móc nối' thí sinh Cao Bằng, Yên Bái

30/06/2023 11:30:57

Đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cho hay đơn vị này đang tiếp tục mở rộng điều tra các đối tượng móc nối với 2 thí sinh "tuồn" đề thi ra ngoài.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vừa kết thúc, câu chuyện đề thi môn Ngữ văn, Toán bị truyền ra ngoài vẫn đang làm nóng dư luận.

Trước câu hỏi về phương án xử lý 2 thí sinh vi phạm phát tán đề ra sao, có nên tăng nặng mức độ xử lý thay vì chỉ dừng lại ở mức đình chỉ thi theo như quy chế, Thiếu tướng Trần Đình Chung - Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, cho hay công an sẽ căn cứ kết quả xác minh; đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả; cùng đó xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xác định mức độ vi phạm.

“Nếu hành vi đó đến mức phải xử lý hình sự, sẽ xử lý hình sự theo quy định pháp luật của Nhà nước. Nếu không, sẽ xử lý hành chính theo Nghị định 144 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội. 

Tuy nhiên, trước khi xử lý cũng cần tính đến yếu tố nhân văn. Chúng tôi sẽ tiếp tục thẩm tra xác minh về việc thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra bên ngoài. Khi có kết quả, sẽ thông tin tới báo chí”, Thiếu tướng Trần Đình Chung nói.

Đề thi bị tuồn ra ngoài: Điều tra đối tượng 'móc nối' thí sinh Cao Bằng, Yên Bái
Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an.

Vấn đề dư luận đặt ra là để có hình ảnh đề thi được “tuồn” ra bên ngoài, phải có người “móc nối” để tiếp nhận, hỗ trợ.

Về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho hay cơ quan công an đã nhanh chóng phối hợp xác minh ở các địa phương xảy ra và cũng đã xác định được những người kết nối ở bên ngoài. 

Tuy nhiên, sẽ tiếp tục kiểm tra, xác minh kết hợp với những khai báo của các đối tượng liên quan khác để xác định xem có lời giải chuyển vào hay không.

“Nhưng theo như hiện nay thì chưa có lời giải được chuyển vào, không làm ảnh hưởng đến kết quả thi. Hiện tại, chỉ có 2 trường hợp xảy ra, không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng kỳ thi cũng như công tác đảm bảo an ninh, an toàn”, ông Chung nói.

Theo ông Chung, việc các đối tượng sử dụng các thiết bị công nghệ cao thời gian tới chắc chắn sẽ còn và vấn đề là chúng ta làm thế nào để hạn chế việc sử dụng các thiết bị này.

Ông Chung cho biết thêm, trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra, Cục An ninh chính trị nội bộ cũng phối hợp với công an địa phương phát hiện, triệt phá khoảng 90 cá nhân ở 28 địa phương có hành vi mua bán và sử dụng thiết bị công nghệ cao. 

“Để phòng tránh việc này, thời gian tới, chúng ta nên nghiên cứu xem có cần đề xuất các thiết bị để phát hiện, chống việc sử dụng công nghệ cao giấu trong người”, ông Chung nói.

Cùng với đó, theo ông Chung, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thí sinh, gia đình thí sinh và các đối tượng khác biết việc mua bán, sử dụng các thiết bị công nghệ cao gian lận thi là việc làm vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Đồng thời, các đơn vị cũng cần chú trọng hơn nữa công tác tập huấn đối với cán bộ coi thi.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết theo Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 19/5/2023 về danh mục bí mật Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục thuộc dạng tối mật bao gồm: Đề thi chính thức; đề thi dự bị; đáp án đề thi chính thức; đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp THPT, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai.

Theo đó, đề thi tốt nghiệp THPT là loại tài liệu tối mật, được bảo vệ theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước. Song, trong tình huống này, đề thi môn Ngữ văn và môn Toán đã được công bố, công khai đối với các thí sinh.

Bởi vậy trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy, người làm lọt đề thi này ra bên ngoài là thí sinh, thí sinh này vi phạm quy chế thi và sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, mức cao nhất là đình chỉ thi, hủy bỏ kết quả thi.

Theo Thanh Hùng (VietNamNet)

 

Nổi bật