Chiều 23/4, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có buổi làm việc với các bộ Giáo dục và Đào tạo, Công an về gian lận tại kỳ thi THPT quốc gia 2018. Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) đã báo cáo về kết quả điều tra, xử lý sai phạm.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên thường trực Ủy ban, cho biết qua báo cáo của các cơ quan, những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được nhìn nhận là "hết sức hệ trọng, tinh thần chung là cần được xem xét, xử lý nghiêm minh". Đến nay, sai phạm cơ bản được làm rõ, 16 bị can liên quan đến gian lận thi cử ở Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La đã bị khởi tố.
222 thí sinh được nâng điểm đã được xác định điểm thực trên cơ sở chấm thẩm định. Trong đó, 114 em ở Hà Giang sử dụng điểm thực để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018 theo đúng quy định. Trong 108 thí sinh được nâng điểm ở Sơn La và Hòa Bình, có em không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT, một số không có tên trong xét tuyển và nhập học tại các cơ sở giáo dục đại học. Số còn lại hầu hết bị cho thôi học.
Khẳng định vụ gian lận phức tạp, sai phạm khá tinh vi, tuy nhiên bà Hoa cho rằng tiến độ xử lý còn chậm, một số vấn đề chưa được làm sáng tỏ khiến dư luận tiếp tục bức xúc. Chẳng hạn ngoài 16 cán bộ liên quan trực tiếp tới Hội đồng chấm thi có hành vi sai phạm đã bị khởi tố, còn những ai liên quan khác?
"Rõ ràng họ không tự nhiên phạm tội mà chịu sự tác động từ những người khác để nhờ nâng điểm cho thí sinh. Đến nay, những người ấy vẫn chưa được phát hiện và xử lý, cho thấy cơ quan điều tra cần tích cực, quyết liệt hơn nữa để làm rõ. Nếu liên quan tới cán bộ, công chức nhà nước thì phải có sự vào cuộc của các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra", bà Hoa nói.
Một vấn đề nữa, trong số 222 thí sinh được trả về điểm thật, đa số được xử lý cho thôi học, nhưng còn một số được theo học tại các đại học. "Đành rằng có thể lỗi do người lớn can thiệp, nhưng không thể nói các em vô can. Do vậy, vẫn cần có hình thức xử lý phù hợp để bảo đảm công bằng cho những người học thật, thi thật. Có vậy mới ngăn ngừa được sai phạm, hướng tới một kỳ thi nghiêm túc", bà Hoa phân tích.
Tại buổi làm việc, Ủy ban đã đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục phối hợp với địa phương giải quyết dứt điểm vụ gian lận, công bố rộng rãi kết quả điều tra; tránh kéo dài dẫn đến tâm lý hoài nghi trong dư luận. Các đối tượng liên quan, từ cán bộ làm sai lệch kết quả thi, thí sinh cho tới người thân của thí sinh cần bị xử lý với tinh thần "nghiêm minh, công bằng, không có vùng cấm". Thí sinh được nâng điểm phải xử lý nghiêm, nhưng cần chú ý đến giải pháp phù hợp, vừa bảo đảm công bằng xã hội vừa có tính giáo dục.
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban đề nghị tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra và địa phương để xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc người đứng đầu ngành giáo dục và Ban chỉ đạo kỳ thi tại ba địa phương xảy ra sai phạm. Bộ cần đưa ra hình thức xử lý phù hợp đối với thí sinh liên quan đến sai phạm hiện chưa được xử lý; bổ sung vào quy chế thi THPT 2019 quy định về xử lý gian lận trong coi thi, chấm thi để khắc phục hạn chế của quy chế thi hiện nay.
Ủy ban cũng lưu ý với việc tăng cường giám sát, phát huy vai trò của các trường đại học, cao đẳng và địa phương trong khâu tổ chức thi, chấm thi; giao trách nhiệm và phân cấp cụ thể đối với tổ chức, cá nhân tham gia vào tổ chức kỳ thi để tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 và những năm tiếp theo.
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 cả nước có trên 900.000 thí sinh tham dự. Ngày 11/7/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La có số lượng điểm giỏi cao bất thường. Công an xác định có 114 thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm và đã trả về điểm thực trước mùa xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018.
Hòa Bình, Sơn La phải đến tháng 3/2019 Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có kết luận điều tra và công bố điểm chấm thẩm định. Kết quả 64 thí sinh ở Hòa Bình và 44 ở Sơn La được nâng điểm. Trong đó, có thí sinh được nâng tới 9,25 điểm một môn và 26,55 điểm tất cả môn. Nhiều em từ điểm giỏi biến thành điểm liệt.
Theo quy chế, điểm chấm thẩm định là điểm chính thức của thí sinh, được sử dụng để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Trong khi chờ cơ quan công an làm rõ sai phạm của thí sinh, nếu đủ điểm vào các trường đại học, những em này được tiếp tục học. Nếu xác định rõ sai phạm, thí sinh sẽ bị xử lý.
Hiện 19 cán bộ giáo dục, công an của ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã bị khởi tố, nhưng người đứng đầu ngành giáo dục ba tỉnh vẫn chưa bị xử lý.
Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)