Sáng 12/3, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự luật Giáo dục (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, xưa nay nghề giáo được xem là cao quý, người dân tôn trọng. Tuy nhiên, gần đây xảy ra một số vụ giáo viên xâm hại học sinh, cá biệt nhưng được cả xã hội quan tâm.
"Một vài người lệch chuẩn mực, vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý, nhưng những hành vi đó tác động lớn đến tâm lý của xã hội. Tôi mong muốn dự luật Giáo dục có quy định rõ ràng để giáo viên thực hiện", bà Nga nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, ở chương 6 (Nhà trường gia đình và xã hội) cần cân nhắc đưa thêm điều phù hợp với Luật trẻ em, xác định trách nhiệm của nhà trường, giáo viên, xã hội trong việc bảo vệ người học.
Theo bà Nga, dự luật không có điều cấm chung, chỉ có điều 21 "cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục", nêu một số hành vi nhà giáo không được làm, quy định tiêu chuẩn nhà giáo, như: phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, có phong cách, tự trọng, được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo sức khỏe.
"Chúng tôi rất mong muốn dự luật có thêm quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo, như ngành y thì có y đức, để giáo viên thực hiện, tránh trường hợp như thời gian qua", bà Nga đề xuất.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đồng tình với bà Nga khi thời gian qua, các hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo xuất hiện, không nhiều nhưng lại ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là tác động lớn lên vị thành niên.
Bà Hải phân tích, trong dự luật, tất cả quy định về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn... của nhà giáo đều là quy định trong giờ học, giờ chính khóa. Tuy nhiên, sự việc xảy ra ở Bắc Giang, thầy giáo có hành vi không đúng mực với học sinh lớp 5A Trường tiểu học Tiên Sơn lại xảy ra vào giờ dạy thêm, sau khi thầy uống rượu.
"Nếu nói thẳng ra là thầy đang đi dạy thêm. Luật không cấm dạy thêm, chỉ quy định không ép học sinh đi học thêm để thu tiền. Trong các quyền của nhà giáo cũng không nói có quyền đi dạy thêm hay không?", bà Hải nói và đánh giá chương Nhà giáo đã tương đối đầy đủ, nhưng có một sở hở là chưa có phần quản lý giáo viên khi đi dạy thêm.
Nếu xảy ra sai phạm thì xử lý theo pháp luật, nhưng việc quản lý nhà nước đối với vấn đề này thì còn bỏ ngỏ. "Tôi rất trăn trở, đề nghị nghiên cứu, bổ sung một số điều liên quan đến vấn đề này. Nếu thầy dâm ô học sinh tại lớp học thêm hoặc tại nhà học sinh khi dạy gia sư thì xử lý thế nào?", bà Hải nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng vấn đề đạo đức giáo viên đang được xã hội quan tâm, ban soạn thảo cần điều chỉnh trong dự luật.
Hiện ngoài Luật viên chức, nhà giáo còn bị điều chỉnh bởi quy định về đạo đức (theo Quyết định 16/2008 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo). Văn bản nêu rõ, nhà giáo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải đáp ứng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống tác phong phù hợp. Để giữ gìn truyền thống đạo đức, nhà giáo bị cấm 11 điều, trong đó có cấm không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác...
Đầu tháng 3, cả nước xảy ra nhiều vụ giáo viên vi phạm đạo đức nghề giáo. Tại Bắc Giang, ông Dương Trọng Minh (38 tuổi, giáo viên trường Tiểu học Tiên Sơn) bị một số phụ huynh tố giác có hành vi uống rượu, sờ soạng nhiều học sinh. Công an huyện Việt Yên sau khi điều tra đưa ra kết luận ông Minh "véo tai, sờ mông và đùi" một số học sinh, không đủ chứng minh hành vi dâm ô.
Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)