Chính phủ bảo hộ lao động trong nước bằng cách đưa ra các rào cản kỹ thuật (ảnh minh họa). |
Về đề xuất của ông Thành, ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho rằng nên cân nhắc thận trọng, vì điều này có thể hạn chế sự hợp tác đôi bên. “Hiện nay thực tế Việt Nam cũng đang cần lao động có chuyên môn kỹ thuật cao, mà hội nhập thì không thể mang tiếng Việt ra làm ngôn ngữ chính được” - ông Trung nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh: “Cần phải có cơ chế bảo hộ một cách đồng bộ, khoa học, có quy trình, lộ trình cụ thể. Không thể có ngăn cấm, tạo ra rào cản một cách vô lối, bởi Việt Nam vẫn cần những lao động có trình độ cao của quốc tế. Không thể lấy điểm yếu của mình (kém về ngoại ngữ) để mang ra hội nhập, như vậy là bế quan tỏa cảng”.
Ông Kiêm cũng cho rằng vấn đề di chuyển lao động là vấn đề tất yếu của hội nhập thế hệ mới. Nơi nào có thu nhập cao, nơi nào có khả năng phát huy được năng lực của lao động thì lao động sẽ vào.
Đề cập tới vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH khẳng định: Không riêng gì Việt Nam, hầu hết các quốc gia đều có những chính sách để bảo hộ lao động trong nước. Việt Nam cũng như các quốc gia khác, chỉ cấp phép với những ngành thiếu lao động, hoặc có lao động nhưng không đáp ứng được chuyên môn kỹ thuật bậc cao.
“Tuy nhiên, việc bảo hộ thế nào, lập rào cản ra làm sao với từng ngành nghề thì cần phải cân nhắc, tính toán kỹ. Bởi, nếu chúng ta làm khó quá thì các bạn nước ngoài sẽ không muốn đầu tư hợp tác nữa” - ông Diệp phân tích.
Theo các chuyên gia, lao động Việt Nam không chỉ gặp thách thức khi ra nước ngoài làm việc mà khi gia nhập AEC, các lao động Việt Nam cũng sẽ bị cạnh tranh ngay trên sân nhà. Mặc dù Việt Nam đã có quy định lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có giấy phép và bằng đại học trở lên, nhưng ông Trung cũng lo ngại, sẽ có một bộ phận không nhỏ lao động thất nghiệp do không đủ sức cạnh tranh với lao động nước ngoài. Do đó các văn bản bảo vệ lao động trong nước, phù hợp với cam kết quốc tế cần phải được nghiên cứu.
Theo Minh Nguyệt (Dân Việt)