Theo đó, Phương án 1: Ở địa bàn nông thôn vẫn tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại 3 cấp đơn vị hành chính là tỉnh, huyện, xã; còn ở địa bàn đô thị chỉ tổ chức cơ quan hành chính (UBND phường) để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương, không tổ chức HĐND. Phương án 2: Giữ nguyên HĐND và UBND ở cả 3 cấp hành chính tỉnh, huyện, xã như hiện nay.
Dân bầu trực tiếp chủ tịch phường
Các ý kiến ủng hộ Phương án 1 cho rằng đã đến lúc cần có đổi mới, đột phá trong việc tổ chức chính quyền cơ sở. Mô hình như hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó HĐND cấp cơ sở hoạt động hình thức, thiếu hiệu quả.
Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH |
Cũng theo ông Phước, đối với đô thị nên có mô hình tổ chức chính quyền khác nông thôn vì nông thôn địa bàn rộng hơn, trong khi ở thành phố địa bàn tập trung hơn, nhiều hoạt động hơn.
“Đề nghị Chủ tịch UBND phường do nhân dân phường bầu trực tiếp, hoặc tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân phường để bầu ra chủ tịch phường đại diện cho nhân dân. Còn các phó chủ tịch phường thì HĐND quận sẽ phê chuẩn trên cơ sở giới thiệu, đề nghị của chủ tịch phường. Khi giám sát, HĐND quận sẽ giám sát tất cả hoạt động của chính quyền phường”, ông Phước nói.
Cùng ý kiến trên, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Lập pháp cũng cho rằng việc bỏ HĐND ở cấp cơ sở cũng không vi hiến. Hiện vai trò quyết định của HĐND cấp phường khá mờ nhạt. Theo ông Thảo cấp phường có thể không cần phải có HĐND, nhưng phải có UBND, như thế sẽ phù hợp với điều kiện, đặc điểm của nước ta.
Về việc bỏ hay giữ HĐND ở cấp cơ sở, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm UBPL QH giải trình: không phải chúng tôi không quan tâm đến quyền lực giám sát của nhân dân song giám sát của nhân dân được thể hiện thông qua nhiều cơ quan. Không có HĐND ở phường đó không có nghĩa là nhân dân không được giám sát chính quyền đó, bản thân UBND cũng là của nhân dân. Nhất là dân có thể được tự bầu Chủ tịch UBND phường. Phương án nào cũng có mặt ưu điểm, hạn chế.
Chia sẻ thêm về việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết bản thân ông cũng công tác từ cấp phường rồi dần dần nên cấp Trung ương, vì thế phương án chủ tịch phường do nhân dân trực tiếp bầu, trực tiếp giám sát thì sẽ thuyết phục hơn.
Giữ HĐND để dân giám sát
Tuy nhiên, đa phần các ý kiến cho rằng cần phải giữ HĐND song hành cùng UBND ở chính quyền cơ sở như hiện nay vì nếu bỏ HĐND thì người dân sẽ mất đi quyền giám sát hoạt động của chính quyền.
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: “Hiến pháp ghi rõ ở đâu có quyền lực, ở đó có giám sát… bỏ quyền lực giám sát của dân thì giải thích như thế nào với dân. HĐND cấp quận có làm thay được cho cấp xã không, cái này khó khả thi được”.
Bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban công tác ĐBQH cho hay qua giám sát 11 tỉnh, với 6 tỉnh thí điểm không có HĐND cấp huyện, quận, phường. Trong đó có 8 tỉnh, thành phố đề nghị vẫn giữ mô hình các cấp chính quyền như hiện nay (UBND và HĐND). Chỉ có 3 tỉnh là Đà Nẵng, Kiên Giang, Phú Yên đề nghị nên tổ chức HĐND ở các cấp theo đặc thù nông thôn, đô thị khác song trong bản thân các tỉnh thành này cũng vẫn có những ý kiến trái chiều, chẳng hạn ở Phú Yên, Thường trực HĐND vẫn đề nghị có HĐND tất cả các cấp. Hiện TP HCM đang xin tiếp tục thí điểm. “Thí điểm 5 năm, chúng tôi kết luận là qua giám sát cho thấy, đa số nhân dân đề nghị ở đâu có chính quyền ở đó có giám sát, nếu bỏ HĐND phường thì không ổn. Nếu có đổi mới thì cân nhắc kỹ”, bà Nương nói.