ĐBQH nói về việc bắt bà Châu Thị Thu Nga

08/01/2015 13:58:59

Phó Chủ nhiệm VPQH nói người vi phạm phải chịu trách nhiệm nhưng phải nhìn thẳng sự thật nếu ĐB bị bắt vì phạm pháp không tốt cho QH.

 

TS. Nguyễn Sỹ Dũng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội

Trao đổi với VietNamNet về thông tin cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an tối qua bắt tạm giam bà Châu Thị Thu Nga, ĐBQH, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Phó đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà nói: ĐBQH là công dân, nếu công dân vi phạm pháp luật thì các cơ quan pháp luật sẽ tiến hành làm.

"Để kết luận chính thức có phạm tội hay không phạm tội phải có quá trình theo quy định của luật. Đến bao giờ có quyết định chính thức của cơ quan pháp luật thì lúc đó mới xác nhận nội dung chính xác. Đoàn ĐBQH Hà Nội không gây phiền hà cho các cơ quan bảo vệ pháp luật", ông Chu Sơn Hà nói.

Ảnh hưởng uy tín

ĐBQH cùng đoàn Trần Thị Quốc Khánh cho rằng: "Đương nhiên việc này ảnh hưởng đến uy tín của ĐBQH, nhưng thực ra chủ yếu người nào có liên quan thôi. Nói chung là đau xót, người ta làm cũng phải chịu trách nhiệm thôi".

ĐBQH Châu Thị Thu Nga. Ảnh: Minh Thăng

Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sỹ Dũng chia sẻ nhận định "ĐBQH vi phạm pháp luật thì họ phải chịu. Nhưng ít nhiều cũng phải nhìn thẳng vào sự thật là nếu ĐB bị như vậy cũng không tốt cho QH lắm, 500 ĐB cũng có người này người kia".

Thông tin chiều qua cho hay, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã ký nghị quyết của UB Thường vụ QH đồng ý đề nghị khởi tố bị can của Viện KSND tối cao đối với bà Châu Thị Thu Nga về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cũng tại nghị quyết này, UB Thường vụ QH đã tạm đình chỉ nhiệm vụ ĐBQH của bà Nga.

Theo điều 58 luật Tổ chức QH hiện hành, "không có sự đồng ý của QH và trong thời gian QH không họp, không có sự đồng ý của UB Thường vụ QH thì không được bắt giam, truy tố ĐBQH và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện KSND tối cao".

Luật cũng quy định, trong trường hợp ĐBQH bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì UB Thường vụ QH quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH đó. ĐBQH bị Tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền ĐBQH, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Trong tối 7/1, cơ quan CSĐT đã tiến hành khám xét nhà riêng bà Châu Thị Thu Nga, sau đó dẫn giải bà Nga ra xe và thu giữ nhiều tài liệu.

Thông tin ban đầu cho hay việc bắt giữ này liên quan đến công việc làm ăn của bà Nga tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) mà bà là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ.

Trước đó, bà Nga bị tố cáo lợi dụng vốn, không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng và né tránh không gặp khách hàng mua nhà tại một dự án do Housing Group làm chủ đầu tư. Trong kỳ họp tháng 10-11/2014 vừa rồi, ĐHQH Châu Thị Thu Nga không thường xuyên có mặt tại các phiên họp với lý do sức khỏe.

Trước vụ bà Châu Thị Thu Nga bị bắt, năm 2005, tại khóa QH 11, cũng đã có một ĐBQH bị truy tố là ông Lê Minh Hoàng - Giám đốc Công ty Điện lực TP HCM.

Tại QH khóa 13 có khoảng 40 doanh nhân là ĐBQH.

Trước khi bị bắt, bà Châu Thị Thu Nga là ĐBQH khoá 13, ĐB HĐND cấp quận (2004-2011), ĐB HĐND TP HN (2011-2016), ủy viên UB Tài chính - Ngân sách của QH, ủy viên Ban thường trực nhóm nữ ĐBQH VN, ủy viên tổ chức Nghị sĩ hữu nghị VN - Đức.

Bà nắm giữ chức Phó trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch bất động sản VN khu vực miền Bắc - Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản - Bộ Xây dựng, Chủ tịch CLB vườn ươm doanh nhân - Hội LHTN thành phố HN, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất; , ủy viên thường vụ BCH hiệp hội Bất động sản VN.

>> Vì sao đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga bị bắt? 
>> Bắt giam đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga về hành vi lừa đảo

Theo Hồng Nhì - Chung Hoàng (VietNamNet)