Ngày 22/11, Văn phòng Chính phủ đã gửi văn bản đến Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh, truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến sự việc trên.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đặng Trần Trung và Phó giám đốc Đặng Công Hưởng trong 7 ngày đi chơi golf giờ hành chính đến 3 lần và dành 2-3 ngày một tuần đi chơi golf trong giờ làm việc.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh được yêu cầu xử lý nghiêm nếu những lãnh đạo Sở này có vi phạm "để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính" và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/11.
Bên hành lang Quốc hội sáng 23/11, báo PNVN ghi lời đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, chúng ta đã có những quy định rất rõ ràng về cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thi hành công vụ, quản lý giờ hành chính. "Tại sao quy định đã có nhưng vẫn còn hiện tượng bỏ nhiệm sở đi chơi golf, đi lễ, đi du lịch?", nữ đại biểu đặt câu hỏi.
Bà Việt Nga phân tích, thứ nhất, bản thân những người cán bộ, công chức đã biết quy định nhưng lại cố tình vi phạm. Thứ hai, nếu chúng ta xử lý nghiêm theo quy định thì rất ít người dám vi phạm. Nhưng liệu có hay không việc vẫn xuê xoa cả nể, không xử lý nghiêm, nên sự việc cán bộ bỏ giờ hành chính để đi lễ, đi chơi golf, đi du lịch vẫn xảy ra?
Đại biểu Việt Nga nhấn mạnh: "Nếu chúng ta không xử lý nghiêm thì những việc cá biệt như cán bộ ở Bắc Ninh đi chơi golf trong giờ làm (nếu có) có thể sẽ không còn là cá biệt nữa".
Cũng bên hành lang Quốc hội, trả lời báo chí, đại biểu Trương Xuân Cừ, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, rõ ràng việc Giám đốc và Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Ninh dành 2 đến 3 ngày trong một tuần để đi chơi đã vi phạm quy định của Luật Công chức, viên chức.
"Nếu chính xác là bỏ giờ làm việc để đi chơi golf thì cần phải xem xét xử lý trách nhiệm. Nếu là lãnh đạo, cần phải xem xét xử lý theo đúng quy định trách nhiệm của người đứng đầu", đại biểu Cừ nói.
"Hiện nay chúng ta đã có đầy đủ các quy định về cán bộ công chức bỏ nhiệm sở, cán bộ bỏ giờ làm đi làm việc riêng. Nhất là đối với cán bộ đứng đầu, nếu vi phạm thì ảnh hưởng rất lớn và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ quan.
Họ phải làm gương trong thực hiện chức năng nhiệm vụ, cho đạo đức công vụ. Khi xử lý xong cần phải thông tin kịp thời cho toàn bộ cán bộ, công chức, cho báo chí để thấy được sự vào cuộc của cấp trên, cấp quản lý, qua đó giúp cho sự việc trở nên tốt hơn, tích cực hơn", báo Giao thông dẫn lời đại biểu Cừ.
Tại Dự thảo Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ, Bộ Nội vụ đề xuất quy định về "Sử dụng thời giờ làm việc" của cán bộ, công chức như sau: Nghiêm túc tuân thủ nội quy, quy chế, quy trình làm việc của cơ quan, đơn vị; chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc; không đến muộn hoặc về sớm không có lý do chính đáng; không tự ý nghỉ việc không phép, nghỉ trong giờ làm việc; khi cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ vì lý do đột xuất phải xin phép và được sự đồng ý của lãnh đạo trực tiếp.
Không làm việc riêng và tham gia các hoạt động khác không liên quan đến công việc trong giờ làm việc.
Không chơi các trò chơi, sử dụng các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc; không uống rượu, bia, đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa các ngày làm việc, không tụ tập ăn, uống đông người trong giờ làm việc; không quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị bán hàng tại nơi làm việc.
Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật và xử phạt theo quy định.
Theo quy định hiện hành, Điều 78 Luật Cán bộ, công chức quy định về các hình thức kỷ luật đối với cán bộ như sau: Cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Cách chức; d) Bãi nhiệm. Trong đó, việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ.
Theo Duy Anh (Nguoiduatin.vn)