ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng. |
Với lỗi không sang tên xe, chủ xe là cá nhân sẽ bị xử phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, đối với mức phạt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng được áp dụng với tổ chức.
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho rằng, có rất nhiều loại xe máy và đây cũng được xếp vào nguồn phương tiện gây nguy hiểm cao.
Do đó, cần phải được quản lý chặt chẽ nhưng việc quản lý như thế nào thì cần phải xem xét kỹ và nhất là đối với việc xử phạt xe máy không chính chủ cũng cần phải nghiên cứu rất kỹ xem trường hợp phạt đó như thế nào.
Bởi vì thực tế theo ông Nhưỡng, có nhiều trường hợp xe không chính chủ, cần phải phân loại, làm rõ từng loại để có cách xử lý phù hợp.
"Ở đây, nếu là xe của người thân, gia đình, bạn bè cho mượn thì có thể là mượn một lúc hoặc một thời gian nhất định... như vậy, cần làm rõ các trường hợp này có xử phạt xe không chính chủ hay không?
Thêm vào đó, nếu cứ thấy người đi đường không mắc lỗi mà dừng kiểm tra, sau đó, so chứng minh nhân dân với đăng ký xe thấy không chính chủ hay hỏi bảo xe tôi đi mượn của bạn bè, người thân thì phạt thì tôi cho rằng, sẽ là phạt bừa bãi, không có đủ cơ sở để phạt.
Cũng cần nói rõ rằng, đi xe mượn của người khác không phải là vi phạm pháp luật nên không phải là cơ sở, không được xử phạt chính chủ", ông Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng cũng nêu rõ, nếu xác định được chính xác xe không chính chủ đó đưa vào lưu thông, giao thương nhưng không chuyển chủ để trốn thuế, hay xe mượn nhưng không biết chủ trước là ai thì phải phạt, riêng xe trong các trường hợp bị trộm cắp... thì phải phạt nặng và tiếp tục xử lý.
"Nguyên tắc mua xe thì anh phải chuyển đổi chính chủ để đảm bảo quản lý của Nhà nước, tuân thủ pháp luật còn nếu anh cố tình không chuyển thì không thể được và phải xử phạt", ông Nhưỡng nêu rõ.
Trước ý kiến cho rằng, nếu các xe được mua lòng vòng, qua nhiều người và những người này đều ở các tỉnh khác nhau, người chủ cuối cùng này, không tìm được các chủ trước thì phải làm thế nào?
Ông Nhưỡng nêu quan điểm, người chủ cuối cùng sẽ phải chịu trách nhiệm.
"Ở đây, đất nước chúng ta có thói quen mua bán xe máy lòng vòng, nhiều chủ như thế là rất xấu, không khuyến khích như vậy. Việc dung túng như vậy sẽ khiến pháp luật không được thực thi, bị coi thường, tạo kẽ hở lớn.
Do vậy, người chủ cuối cùng sẽ phải chịu trách nhiệm tìm người chủ cũ để đăng ký lại, đưa xe về chính chủ còn không thì phải chịu phạt", ông Nhưỡng nói thêm.
Nguyên Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cũng nhận định, mục tiêu của chúng ta trong việc này không phải tạo cơ sở để xử phạt, thậm chí là "phạt để kiếm tiền" mà làm như thế nào để người dân cùng tham gia vào quản lý Nhà nước.
Vì thế, chúng ta cũng cần có những biện pháp thông thoáng, trợ giúp cho người dân để có thể dễ dàng trong việc chuyển đổi đăng ký, chủ xe.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng nêu ý kiến, cơ quan quản lý, soạn thảo cần phải quy định rõ các trường hợp xe nào sẽ bị xử phạt không chính chủ, trường hợp nào không bị xử phạt.
"Chúng ta phải quy định rõ ràng chứ không thể nói chung chung được vì ở đây còn liên quan đến quyền sở hữu hợp pháp của người dân được pháp luật bảo vệ", ông Nghĩa nói thêm.
Theo Hoàng Đan (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)