ĐBQH đề nghị đưa hành vi xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Luật Hình sự

24/05/2017 11:30:00

"Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả, tôi đề nghị bổ sung quy định vào khoản 2, điều 155, điều 156 tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam".

"Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả, tôi đề nghị bổ sung quy định vào khoản 2, điều 155, điều 156 tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam".

ĐBQH đề nghị đưa hành vi xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Luật Hình sự

Bổ sung thêm tội phạm về kinh doanh đa cấp

Sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung 1 điều luật mới về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép.

Tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua. Tuy vậy, một số ý kiến đề nghị không bổ sung quy định này.

Quan điểm của UBTVQH nhận thấy, kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn.

"Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp", bà Nga nêu rõ.

ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) nhất trí về việc bổ sung loại tội này. ĐB Thủy phân tích, trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình đang diễn biến phức tạp khó lường, diễn ra ở hầu hết các tỉnh trong cả nước.

Với những thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý hám lợi của người dân, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, một số đối tượng đã biến tướng phương thức kinh doanh đa cấp để trục lợi.

ĐBQH đề nghị đưa hành vi xúc phạm, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Luật Hình sự - Ảnh 1.

Bà Bạch Thị Hương Thủy. Ảnh: Quochoi.vn

Hành vi phổ biến mà tội phạm lợi dụng hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như kinh doanh tiền ảo, thực phẩm chức năng, khóa học làm giàu, chăm sóc sức khỏe, bất động sản, đầu tư tài chính...

ĐB Thủy dẫn chứng, vừa qua vụ Công ty cổ phần thương mại Cộng Đồng Việt lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của gần 3000 người dân, Công ty Liên Kết Việt lừa đảo chiếm đoạt hơn 2 nghìn tỷ đồng của 45 nghìn người dân.

Ở góc độ ngược lại, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, cần cân nhắc chưanên bổ sung tội danh này vào Bộ luật hình sự. 

Vì lý do, đây là tội mới chưa đượcbáo cáo đánh giá đầy đủ, những lý do, sự cần thiết, tác động của loại tội phạm nàyvào Bộ luật hình sự.

Đề nghị bổ sung điều luật quy định Tội hoạt động phỉ

Nêu một vấn đề khác, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đăk Lăk) bày tỏ lo lắng về việc Bộ Luật Hình sự 2015 bỏ điều 83 Luật Hình sự năm 1999 quy định hoạt động phỉ sẽ dẫn đến bỏ lọt hành vi cướp phá tài sản nhằm chống chính quyền nhân dân.

Theo đại biểu, Bộ Luật Hình sự 2015 đã bổ sung hành vi trên vào tội bạo loạn tại điều 112 và tội khủng bố điều 133, tuy nhiên, qua nghiên cứu, thực tế, việc đưa hành vi cướp phá tài sản nhằm chống chính quyền nhân dân vào điều 112 để xử lý là không phù hợp.

Bởi lẽ, đặc trưng của loại tội bạo loạn là hành vi hoạt động vũ trang, hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân nhưng không có mục đích chiếm đoạt tài sản.

Trong khi đó, hành cướp phá tài sản nhằm chống chính quyền nhân dân của tội hoạt động phỉ là có yếu tố chiếm đoạt tài sản, địa điểm xảy ra ở những vùng hiểm yếu, khu vực rừng núi, biên giới, hải đảo.

Bên cạnh đó, tội hoạt động phỉ còn có yếu tố về mặt khách quan là hành vi lén lút, bí mật chứ không công khai như tội bạo loạn...

"Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị cần bổ sung điều luật quy định về Tội hoạt động phỉ như Luật Hình sự năm 1999", bà Xuân đề nghị.

Cùng với đó, Điều 155 về Tội làm nhục người khác và điều 156 về Tội vu khống, theo đại biểu, thực tế hiện nay, hoạt động tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc, bịa đặt, lan truyền các nội dung biết rõ là sai sự thật nhằm bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta ngày càng gia tăng.

Nhất là vào các thời điểm chính trị nhạy cảm như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội đã tạo dư luận xấu, gây hoang mang, giảm sút niềm tin của nhân dân không chỉ với cá nhân các đồng chí lãnh đạo mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

"Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với loại hành vi này, tôi đề nghị bổ sung quy định vào khoản 2, điều 155, điều 156 tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã quy định hành vi này trong luật hình sự", bà Xuân bày tỏ.

Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)

Nổi bật