Trung tướng Trần Văn Độ. |
Đại biểu QH cũng đau đầu vì thực phẩm sạch - bẩn
Dù năm 2015 được chọn là năm an toàn thực phẩm, nhưng thực tế tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm bẩn không những không giảm mà còn chuyển biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm bẩn đang diễn ra ngày càng tràn lan, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Vấn đề này đang gây hoang mang dư luận xã hội, trong khi đó việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý vấn đề này của chúng ta chưa đạt yêu cầu đặt ra.
"Ở đây, có 3 nguyên nhân chính mà tôi thấy vấn đề thực phẩm bẩn diễn ra ngày càng tràn lan, tinh vi, trước hết đó là do việc kiểm tra, kiểm soát của chúng ta không nghiêm dẫn đến việc xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh.
Thứ hai là do ý thức của người tiêu dùng chưa được nâng lên, do khó khăn quá hoặc chưa hiểu biết nên vẫn sử dụng các thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn.
Thứ ba, là còn nhiều người buôn bán, sản xuất thực phẩm vì hám lợi, không có đạo đức vẫn cố tình vi phạm, hủy hoại đời sống của người dân", ông Kiêm nói.
Ông Cao Sỹ Kiêm. |
"Tôi cũng rất lo lắng vì mình cũng không hiểu, biết rõ được là nó có thật hay không? Bởi sạch, bẩn bây giờ cũng lẫn lộn mà chưa có một cơ chế, tiêu chí nào để có thể kiểm soát chặt chẽ việc này.
Cho nên rồi cũng lại bị tình trạng chung là sử dụng thực phẩm bẩn nhưng cũng không rõ.
Nhiều gia đình ở Hà Nội chọn về quê để mua các thực phẩm để mang lên nhưng cũng không ai nắm được là quê có sạch thật hay không nên vẫn có thể rơi vào tình trạng thực phẩm bẩn chung thôi", ông Kiêm chia sẻ.
Sử dụng thực phẩm từ quê
Đại biểu Trung tướng Trần Văn Độ (An Giang) cho hay, trong Luật Hình sự của chúng ta đã có những quy định rất nghiêm minh để xử lý vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm...
"Mức xử lý cao nhất đối với những tội này lên đến chung thân. Tuy nhiên, việc quản lý, kiểm tra, xử lý mới là vấn đề đáng nói.
Người dân bây giờ có một bộ phận vì lợi ích cá nhân của mình mà không nghĩ đến việc gây ra thiệt hại cho người khác.
Có những lúc, những thực phẩm giết dần giết mòn con người, gây ung thư, đủ thứ khác. Ăn uống bây giờ cứ lo sợ thì sao mà ngon, mà đảm bảo được sức khỏe.
Cho nên bây giờ phải tuyên truyền làm sao để người dân hiểu được, không vì lợi ích của mình mà làm hại người khác và phải có chế tài để quản lý thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm nhập khẩu từ nước ngoài về qua đường này, đường khác.
Với các loại chất tạo nạc, ngâm tẩm hoa quả, thực phẩm... nếu thanh tra, kiểm tra phát hiện được thì phải xử lý nghiêm, dứt điểm.
Chỉ cần phát hiện ra có các chất cấm trong thực phẩm thì phải tiêu hủy toàn bộ, dù rằng có tốn kém nhưng như thế thì người ta mới sợ chứ còn phạt vài trăm ngàn, vài triệu thì không ai sợ cả", ông Độ nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Độ cũng chia sẻ một tâm lý thực tế hiện nay không chỉ của riêng gia đình ông mà nhiều gia đình khác, đó là luôn lo sợ.
"Ăn cái gì cũng sợ, mua cái gì cũng sợ, nguyên chuyện đó đã rất ảnh hưởng đến sức khỏe rồi. Chưa kể giờ đâu cũng có người bán sạch, người bán bẩn nhưng sạch cũng không dám tăng giá bán vì sợ không có người mua.
Nhưng nếu sạch thật mà giá có tăng thêm một chút thì cũng nên làm vì lúc đó tâm lý lo ngại sẽ đỡ hơn", ông Độ bày tỏ.
Ông Độ cũng chia sẻ, dù việc nội trợ do vợ ông lo ở nhà nhưng như nhiều người dân sống ở Hà Nội khác, gia đình ông cũng không biết chọn mua thực phẩm ở đâu ngoài các chợ hay siêu thị.
Những thực phẩm đơn giản thì có thể mua từ chợ. Tuy nhiên, cũng không biết được chất lượng nó đến đâu, sạch như thế nào.
Theo Hoàng Đan (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)