ĐB Nguyễn Hữu Cầu: Phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng gây 2 tác hại

07/11/2018 08:39:46

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nêu rõ, tất cả các phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng là quyền của đại biểu còn phân xử đúng sai thế nào sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

"Số liệu của ĐB Nhưỡng nêu không phải do các cơ quan chức năng tính toán ra"

Bên hành lang Quốc hội ngày 6/11, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã trao đổi với phóng viên xung quanh việc tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tại Hội trường Quốc hội về "thông tin làm lực lượng công an dậy sóng".

ĐB Nguyễn Hữu Cầu: Phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng gây 2 tác hại
ĐB Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Hữu Cầu.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, mỗi đại biểu Quốc hội và nghị trường Quốc hội rất dân chủ nên các ĐB được phát biểu theo quan điểm của mình, chịu trách nhiệm trước pháp luật về phát ngôn.

Tuy nhiên, một xu hướng chung của xã hội cũng như ĐBQH chỉ chấp nhận, tôn trọng những ý kiến mang tính khách quan, trung thực, công tâm, xây dựng cao vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.

"Còn những ý kiến phát biểu cho hay, sướng chưa chắc đã được ghi nhận. Bởi ở Quốc hội rất nhiều người giỏi, có sự định hướng vững chắc và những gì làm được hay không đều được đưa ra sòng phẳng", ông Cầu nói.

Đối với phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, ông Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, cá nhân ông tham gia ngành công an 39 năm và làm công tác liên quan đến điều tra, xử lý tội phạm nên tất cả các quy định của luật hình sự, tố tụng hình sự, những văn bản dưới luật ông nắm cơ bản chắc.

Ông lý giải, hoạt động tố tụng hình sự là một hoạt động cụ thể nên bao giờ cũng có sai sót. Với hoạt động của ngành công an, nhất là điều tra, xử lý tội phạm thì hồ sơ điều tra vụ án hình sự là một sản phẩm và bao giờ cũng được đưa vào kiểm nghiệm.

Thực tế, theo ông, có hồ sơ rất tốt có thể dùng ngay để truy tố, xét xử, không oan sai nhưng có hồ sơ chưa tốt phải loại ra, bổ sung và mục tiêu chống oan, sai, lọt... đảm bảo chắc chắn để buộc tội, bởi trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng.

"Do đó, đã là hồ sơ do con người tạo ra sẽ có sai sót, tuy nhiên, việc này nhiều hay ít. Nếu nhiều quá không được nhưng vừa phải ở mức thấp nhất là được cho phép. Còn chúng ta hy vọng tịnh tiến về 0 sẽ không bao giờ có. Đấy là duy ý chí.

Cho nên cần hiểu, việc tiếp nhận, xử lý tin báo tội phạm cũng như vậy, chúng ta tiếp nhận có thể xử lý hết được nhưng quá một vài đơn sót lại là chuyện bình thường hoặc gửi chậm tài liệu là bình thường", ông Cầu nêu.

Ông Cầu cho biết thêm, ngay sau khi ĐB Lưu Bình Nhưỡng phát biểu trước Quốc hội vào ngày 31/10, ĐB Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đã phát biểu đề nghị nêu rõ số liệu ở đâu ra.

Đồng thời, ngay tối hôm đó, nhiều cán bộ cơ quan CSĐT tiếp tục điện thoại cho ông đề nghị xem lại "vì cán bộ làm liên tục, quyết liệt như vậy mà như đại biểu Nhưỡng nói đến hơn 94% là không xử lý hay lại nói 100% không gửi tài liệu cho VKS... có nghĩa cơ quan CSĐT ngồi chơi, không làm gì".

ĐB Nguyễn Hữu Cầu: Phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng gây 2 tác hại - 1
ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu.

Giám đốc Công an Nghệ An nhấn mạnh "từ phát biểu của đại biểu Nhưỡng đã gây ra 2 vấn đề tác hại". 

Cụ thể, tác hại thứ nhất khiến dư luận xã hội nghĩ khác về lực lượng công an và nhiều đối tượng, thế lực xấu vin vào để có những thông tin không chính xác, xuyên tạc.

Thứ hai, làm cho cơ quan điều tra, lực lượng công an rất phân tâm, bởi công sức, xương máu đổ ra bảo vệ cuộc sống bình yên không được đánh giá, ghi nhận một cách đầy đủ.

"Khi ĐB Nhưỡng phát biểu về những vi phạm như thế này là phủ nhận hoàn toàn công lao của lực lượng công an nên anh em phản ứng là đúng thôi. Trong lúc những số liệu đại biểu đưa ra không có trong tất cả các báo cáo.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng có đưa tài liệu mật ra nhưng các tài liệu của Chính phủ, Viện Kiểm sát không đóng dấu mật cũng đã có.

Những số liệu ĐB Nhưỡng nêu không phải do các cơ quan chức năng tính toán ra, không phải thẩm tra của Ủy ban TƯ pháp đưa ra trước Quốc hội mà tự tính toán, làm và về mặt thống kê số liệu không được phép như vậy", ông Cầu nêu rõ.

"Nếu tôi sai sẽ xin lỗi ngay"

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh, việc ông phát biểu không nhằm mục đích gì với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng mà chỉ muốn nêu rõ, đại biểu Quốc hội phát biểu phải hết sức khách quan, công tâm, đảm bảo chính xác và mang tính xây dựng.

"Vì sao tôi phải đăng ký phát biểu lần 2 mặc dù Chủ tịch Quốc hội nói thôi đừng phát biểu nhưng khi chúng tôi gặp nhau, trao đổi, anh Nhưỡng vẫn không thừa nhận nên tôi buộc phải đưa ra phương cách anh dùng để cử tri, nhân dân thấy anh tính vậy đúng hay sai.

Tôi khẳng định, số liệu anh Nhưỡng đưa ra chắc chắn không có trong các tài liệu chính thức gửi cho ĐBQH", ông Cầu nêu.

Ông phân tích con số đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra là do đại biểu làm tính toán và đưa ra nhận xét theo con số của mình.

Cụ thể, trong 120.142 đơn  mà cơ quan tố tụng đã thụ lý có 87 đơn là chưa thụ lý. Trong 87 đơn này có 82 đơn là công an chưa thụ lý.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng lấy 82 chia cho 87 thành 94%. Tiếp đến, số giải quyết quá hạn là 3.368 đơn, trong đó công an có 3.360 đơn, đại biểu lấy 3.360 chia cho 3.368 bằng 99,7%.

"Vậy phép tính đó đúng hay sai tôi chỉ đưa ra như vậy để Quốc hội, cử tri xem xét chứ không tranh luận thêm.

Cá nhân tôi cho rằng, cách tính toán như vậy là sự nhầm lẫn và anh Nhưỡng khi trao đổi có nói với tôi là anh tính tỷ lệ trong cơ quan điều tra của VKS, cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số công tác điều tra, trong cơ quan công an, cơ quan quân đội.

Có nghĩa là 4 cơ quan ở đó, anh chia ra tỷ lệ này nhưng tỷ lệ này nếu tính 87 chia cho 120.142 thì chỉ có số % rất thấp và nếu chia 82 còn thấp nữa.

Thế nhưng trong bài phát biểu, anh Nhưỡng lại không nói vấn đề này mà nói là vi phạm rất nghiêm trọng và đề nghị Bộ trưởng phải xử lý. Như thế làm cử tri hiểu nhầm rất tai hại", ông Cầu nêu.

Ông nói thêm, tất cả các phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng là quyền của đại biểu còn phân xử đúng sai thế nào sẽ do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Ông cũng như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng có quyền phát biểu và chịu trách nhiệm về việc này. 

"Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói rằng, tất cả ĐBQH khi góp ý với các thành viên Chính phủ, đặc biệt, Bộ trưởng khi có sai sót, khuyết điểm đều yêu cầu phải nhận ngay và sửa chữa.

Vậy tại sao, khi chúng ta có những sai sót về phần mình như vậy mà lại không nhận. Nếu tôi sai sẽ xin lỗi ngay.

Không ai có thể cầu toàn 100% nhưng sai sót phải nhận và rút kinh nghiệm cho lần sau chứ không ai bắt ép. Một sự nhầm lẫn, không có vấn đề gì và xin lỗi rất nhẹ nhàng còn cứ bảo lưu quan điểm, tôi nghĩ mọi người sẽ đánh giá bảo thủ", ông Cầu bày tỏ.

Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)