"Việc người dân, dư luận phản ứng là đúng"
Tại phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm xâm phạm an toàn giao thông và giải pháp trong thời gian tới do Ủy ban Tư pháp tổ chức vào ngày 6/3, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đang đề xuất quy định người dân mất bằng lái xe phải thi lại toàn bộ mới được cấp bằng.
Việc này theo ông Thể nhằm tránh tình trạng "lách luật" có thêm bằng lái xe thứ 2-3 để tiếp tục hoạt động.
Trao đổi với PV vào sáng 7/3, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, liên quan đến đề xuất của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về vấn đề quản lý đào tạo, cấp bằng lái xe đang có sự không hiểu nhau giữa mọi người.
Ông Nhưỡng nói, đề xuất của Bộ trưởng là ý tốt và nhằm mục đích, mong muốn quản lý một cách chặt chẽ việc cấp bằng lái xe, nhưng khi phát biểu chưa hết ý, tứ trong đó.
"Việc người dân, dư luận phản ứng là đúng. Còn theo tôi, việc xử lý bằng lái cần có thái độ quản lý chặt chẽ. Bởi có quá nhiều người không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn lái xe, gây ra các tai nạn thương tâm, dẫn đến thiệt hại tài sản, làm mất trật tự an toàn giao thông.
Tình trạng cấp bằng cho những người chưa đủ tiêu chuẩn vẫn còn tồn tại như cấp bằng việc phải chi tiền, thi hộ...
Do đó, bài toán đặt ra là cần quản lý chặt chẽ vấn đề này ở khía cạnh quản lý Nhà nước và người dân, xã hội, các cơ quan phải giám sát quá trình này.
Ở khía cạnh thứ hai cần bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Nếu người ta đã có bằng lái xe nhưng do mất trộm, cháy nhà... mà bắt thi lại để cấp bằng mới là không đúng.
Nếu người dân có đầy đủ bằng chứng, thực hiện đúng các thủ tục phải cấp lại bằng lái xe theo quy định", ông Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng nhấn mạnh, cần phải có các quy định chặt chẽ, phù hợp với thực tế để những trường hợp nào không được cấp lại và trường hợp nào được cấp lại, để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi mất các giấy tờ.
Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng nêu rõ, việc để xảy ra các lỗ hổng dẫn đến tiêu cực để có bằng lái xe thứ 2, thứ 3 như Bộ trưởng Thể nêu ra không phải trách nhiệm của người dân, mà thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.
"Đây không phải trách nhiệm của người dân nên không được đổ lên đầu người dân như vậy.
Bộ trưởng nêu ra vấn đề lỗ hổng thì cũng đã có giải pháp trong chính chỗ này, tức là phải quản lý chặt chẽ trong các cơ quan, đơn vị, chủ thể có trách nhiệm cấp, quản lý bằng lái xe.
Nếu phát hiện sai phạm như cấp sai, thừa, không đúng quy định phải xử lý trách nhiệm, xử lý thật nghiêm", ông Nhưỡng nêu quan điểm.
"Đề xuất trên có thể làm cho người dân mất thêm thời gian, chi phí, mất cơ hội"
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng, cá nhân ông không đồng tình với đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Ông Thủy nói, vấn đề mất an toàn giao thông, tai nạn giao thông do lỗi của tài xế điều khiển phương tiện hiện nay rất bức xúc và Bộ trưởng Thể cũng đang rất nóng lòng mong muốn giải quyết vấn đề đào tạo, cấp bằng lái, không quản lý được lực lượng lái xe...
Tuy nhiên, tất cả các phát biểu, đề xuất liên quan đều phải làm theo quy định của pháp luật.
"Trong luật đã có quy định rõ về việc cấp lại bằng lái rồi. Nếu chúng ta kiểm tra, xác định đúng người này bị mất bằng không phải do bị thu, giữ và có cơ quan công an xác nhận... thì phải cấp lại cho người ta chứ không thể bắt thi lại.
Có trường hợp, không chỉ mất bằng lái mà còn mất theo đó rất nhiều giấy tờ khác, tiền bạc và đây là xác suất mà ai cũng có thể bị.
Do đó, chúng ta cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật chứ không thể xét một cách cứng nhắc, áp đặt.
Bởi nếu không cẩn thận, người không lương thiện lại được lọt lưới còn người lương thiện, không may lại bị thiệt thòi, chịu phiền toái, tốn kém... từ đó, gây ra sự không công bằng", TS Thủy nêu rõ.
Vị chuyên gia giao thông này nhìn nhận, đề xuất trên có thể làm cho người dân mất thêm thời gian, chi phí, mất cơ hội, ảnh hưởng đến cuộc sống...
"Nước nào cũng có tỷ lệ gian dối, lọt lưới pháp luật và đối với những người gian dối tôi cho rằng chỉ cần kiểm tra sẽ ra ngay. Nhưng do công tác kiểm tra, xác minh của cơ quan chức năng không đến nơi, đến chốn tạo ra sự nhập nhoạng giữa cái trắng-đen, đúng-sai.
Vì vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm đối với các cơ quan chức năng trong việc cấp, quản lý bằng lái xe này chứ không nên đổ trách nhiệm sang cho người dân", ông Thủy nói thêm.
Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)