Dây diều 'sắc như dao', cứa đứt vỏ ô tô và những hiểm họa khôn lường từ thú vui dân dã

04/08/2023 08:47:59

Các triền đê ven sông thường có nhiều người tụ tập thả diều, tuy nhiên thú chơi này tiềm ẩn nguy hiểm với người và xe cộ lưu thông trên đường.

Báo Giao thông dẫn lời anh Nguyễn Hồng Quân (trú tại Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chiều 30/7 anh Quân lái xe Hyundai SantaFe từ cầu Đuống rẽ phải xuống đường Gia Thượng (thuộc phường Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội).

Đây là đường đê ven bờ nam sông Đuống dài khoảng 5km, nơi có nhiều người tụ tập thả diều vào buổi chiều.

Theo anh Quân, một con diều liệng xuống đường đúng lúc xe anh đi qua và kết quả là dây diều cứa ngang mũi ô tô, gây vết rách dài hơn 1m phía trước mặt ca-lăng, cứa rách đèn pha bên trái.

Sợi dây diều màu vàng thậm chí còn kẹt lại trên vỏ xe do vết cứa sâu khoảng 2mm, chứng tỏ sức căng rất lớn lúc cứa vào thân xe. Chi phí khắc phục vết rách này được hãng báo giá với anh Quân là hơn 12 triệu đồng.

Được biết, loại dây diều amiang màu vàng xuất xứ Trung Quốc, đường kính sợi dây từ 0,6-3,0mm, mỗi cuộn dây dài 300m được bán tràn lan trên mạng, giá từ 250-800 nghìn đồng/cuộn tùy theo đường kính.

Những người sản xuất chế ra loại dây diều được pha trộn vật liệu cách điện (amiang) để phòng tránh nguy cơ gây chập cháy khi dây diều vướng lưới điện. Tuy nhiên, vật liệu amiang có chứa các hạt silicat siêu nhỏ nên có thể gây thương tích sâu trên da người.

Dây diều 'sắc như dao', cứa đứt vỏ ô tô và những hiểm họa khôn lường từ thú vui dân dã
Vết cứa của dây diều vào đầu xe ô tô của anh Nguyễn Hồng Quân vào chiều 30/7 trên đê Gia Thượng, quận Long Biên.

Đây không phải lần đầu người dân phản ánh dây diều cản trở giao thông, gây nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Với người đi xe máy, nhiều vụ tai nạn thương tâm do dây diều cứa vào người đã xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước.

Theo Dân Trí, vào tháng 7 năm ngoái, anh N.Đ. trong lúc di chuyển từ Phủ Tây Hồ về Thụy Khuê bị dây diều rơi siết mạnh vào cổ. Xe máy lập tức đổ nhào, trượt dài một đoạn.

Nam thanh niên sau đó được người dân đỡ dậy, dìu vào ngồi nghỉ bên vệ đường. Kiểm tra cơ thể, anh phát hiện cổ có vết cắt dài khoảng 13cm, chảy máu, còn khủyu tay và phần bụng bị xây xát nhẹ.

"Cảm giác bị dây diều cứa như cắt da, cắt thịt mà lại đúng vùng cổ rất nguy hiểm. May mắn khi tôi ngã nhào đường cũng vắng và không có ô tô chạy ngang", anh nói thêm.

Tương tự, chị Đ.L.H (quận Tây Hồ) cho biết cũng từng bị dây diều cứa ngang cổ khi đi qua đoạn đường gần cây cô đơn (phường Quảng An, quận Tây Hồ). Sợi dây cước chắn ngang mặt chị, cứa nhẹ vào da.

"Sau vụ việc, tôi luôn chú ý đề phòng, giảm tốc độ. Nhưng mỗi lần ngang qua đây, tôi đều thấy rùng mình, ám ảnh việc bị dây diều cứa cổ nên chủ động lái xe thật chậm, quan sát kỹ càng", chị H. nói.

Cuối tháng 10/2022, nam thanh niên 29 tuổi chạy xe ngang qua cầu Thủ Thiêm 2 (TP Thủ Đức, TPHCM) bất ngờ bị một sợi dây diều cứa ngang cổ, làm đứt gân tay, phải nhập viện cấp cứu.

Vết thương từ cằm đến hàm trái dài khoảng 15cm, rỉ máu đỏ. Bệnh nhân bị mất da và đứt hoàn toàn gân gấp 3 ngón tay của bàn tay phải.

Ekip trực cấp cứu đã xử lý vết thương, khâu nối gân ngay trong đêm. Nhờ được can thiệp kịp thời cũng như vết thương chủ yếu ở phần mềm, anh không bị đe dọa tính mạng.

Dây diều 'sắc như dao', cứa đứt vỏ ô tô và những hiểm họa khôn lường từ thú vui dân dã - 1
Dây diều rơi, siết mạnh vào cổ anh Đ. Ảnh nhân vật cung cấp

Trao đổi với nguồn tin trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết thả diều vốn là thú chơi dân gian gắn bó lâu đời với người dân, nhất là ở vùng nông thôn.

Tuy nhiên, đứng trước quá trình đô thị hóa, việc thiếu không gian vui chơi, giải trí khiến tình trạng thả diều tại các khu đô thị, nội đô ở Hà Nội và TPHCM gia tăng mối nguy hiểm và những hệ lụy khôn lường.

"Thả diều từ một thú vui dân dã, nay có nguy cơ trở thành mối đe dọa thường trực đối với người dân, ảnh hưởng đường lưới điện", ông Tiền nhận định.

Pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc xử phạt đối với người thả diều gây thiệt hại về tài sản cho người khác. Tuy nhiên, người thả diều phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, căn cứ Điều 584 và Điều 589 Bộ luật dân sự 2015.

Nếu thả diều gây thiệt hại sức khỏe của người khác, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định về trật tự công cộng.

Theo đó, người này có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp vô ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Trường hợp gây thương tích cho người khác, thì căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân, người vi phạm có thể phải đối diện với mức hình phạt thấp nhất là cảnh cáo, phạt tiền từ 5 đến 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ một năm; cao nhất là phạt tù 3 năm.

Dây diều 'sắc như dao', cứa đứt vỏ ô tô và những hiểm họa khôn lường từ thú vui dân dã - 2
Ảnh minh họa: Internet

Người có hành vi gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 590, Điều 591 Bộ luật dân sự 2015.

Ngoài ra, nếu thả diều gây ra sự cố lưới điện, gây nổ, gây cháy ảnh hưởng vận hành công trình điện lực;... người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Để tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra, luật sư Trần Xuân Tiền khuyến cáo, người thả diều nên chọn khu vực, địa điểm rộng, thoáng đãng, không có vật cản trên không, tránh thả diều gần đường quốc lộ, đường giao thông, nơi có nhiều phương tiện giao thông đi lại.

PN (SHTT)

Nổi bật