Chiều 19.3, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) đã cung cấp một số thông tin về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Tổng Giám đốc Metro Hà Nội phủ nhận thông tin đường sắt trên cao nhận chở khách từ ngày 1.4. “Các cơ quan của Hà Nội và công ty chúng tôi chưa bao giờ phát ngôn từ ngày 1.4 chở khách vì chúng tôi là bên nhận. Bao giờ có thì chúng tôi nhận, lúc nào cũng sẵn sàng nhận, còn chắc chắn là đầu tháng 4 chưa chở được khách”, ông Trường nói.
Theo ông Trường, mới đây, Bộ trưởng GTVT đã kiểm tra hiện trường, chỉ đạo phấn đấu mỗi cơ quan làm việc 200% để cuối tháng 4 có thể thử nghiệm chở khách được.
"Giá vé tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã được Thường trực Thành ủy Hà Nội thông qua. Chúng tôi hy vọng kì họp HĐND tới đây sẽ đưa ra quyết định về giá vé tuyến đường sắt này", ông Trường nói.
Lãnh đạo Metro Hà Nội thông tin, giá vé được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí: thu nhập của người dân và khả năng chi trả, tính toán cạnh tranh chi phí với các phương tiện khác, khảo sát ý kiến người dân, chi phí vận hành, cân đối khả năng trợ giá của ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, về vấn đề kết nối, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho biết, điều chỉnh tại ga Cát Linh có 7 tuyến buýt, Yên Nghĩa có 11 tuyến và mỗi ga khác có trung bình từ 2-3 tuyến. "Chúng tôi không phải ngôi sao cô đơn", Tổng Giám đốc Metro Hà Nội ví von.
Nói rõ hơn về đề kết nối tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Giám đốc Trung tâm Quản lí và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) Nguyễn Hoàng Hải cho biết, hiện có 43 tuyến buýt hoạt động dọc hành lang tuyến, chiếm khoảng 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới.
Tuy nhiên, theo ông Hải, phân bổ hoạt động của các tuyến buýt không đều, tập trung chủ yếu tại các nhà ga trên trục đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông) - Quang Trung (Hà Đông), trong khi các ga nằm sâu trong nội đô (Láng, Thái Hà, La Thành, Cát Linh) số lượng tuyến ít hơn, năng lực vận chuyển thấp, không đa dạng về hướng kết nối.
Do vậy, Giám đốc Tramoc cho biết, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng và báo cáo UBND TP phương án kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông.
Phương án này theo nguyên tắc giảm tối đa hiện tượng trùng tuyến, giảm mật độ, số lượng xe buýt trên trục dọc tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, chỉ xem xét giữ lại một số tuyến buýt để có thể kết nối trực tiếp từ Yên Nghĩa tới các khu vực xa trung tâm. Đồng thời, bố trí các điểm dừng xe buýt hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi chuyển tuyến, đảm bảo khoảng cách điểm dừng xe buýt tới nhà ga không quá 500m...
Theo Hoàng Thành (Dân Việt)