Dấu hiệu trở nặng của F0 không triệu chứng

14/07/2021 14:25:35

Các F0 có dấu hiệu cảnh báo nặng như thở nhanh, khó thở, đau tức ngực, da, niêm nhợt nhạt hơn bình thường... cần báo ngay cho nhân viên y tế để được cấp cứu và chuyển tuyến điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Tống Hồ Tứ Phương, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 4, huyện Bình Chánh cho biết, trưa 13/7, đơn vị vừa xử trí cấp cứu và chuyển tuyến an toàn một F0 không có triệu chứng đột ngột trở nặng.

Nữ bệnh nhân Covid-19 cao tuổi, có bệnh nền cao huyết áp. Bà trước đó vẫn khỏe mạnh, đến trưa qua bắt đầu thở mệt. Nồng độ oxy trong máu bệnh nhân (SpO2) lúc này chỉ còn 70%. Bệnh nhân lập tức được các bác sĩ hỗ trợ thở oxy qua mặt nạ sau đó chuyển tới phòng cấp cứu, thở oxy áp lực dương, sẵn sàng đặt nội khí quản khi cần và chuyển lên tuyến trên điều trị tiếp.

Tại bệnh viện dã chiến, bác sĩ khám bệnh trực tuyến, thông qua các cuộc gọi hình ảnh trên điện thoại. Sau khi đánh giá tình trạng của bệnh nhân, nếu diễn tiến nặng lên, bác sĩ sẽ có mặt để thăm khám trực tiếp và xử lý tình huống.

Qua trường hợp này, bác sĩ Phương khuyến cáo bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, nếu thấy những dấu hiệu như thở nhanh, cảm giác khó thở, đau tức ngực, nhìn thấy màu da, niêm nhợt nhạt hơn so với bình thường... thì chính là cảnh báo bệnh trở nặng, cần báo ngay cho nhân viên y tế để được xử trí kịp thời. Đặc biệt, những F0 có cơ địa béo phì, người trên 65 tuổi, có bệnh nền (cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch...) cần tự theo dõi sức khỏe sát sao hơn.

Lúc này, nhân viên y tế sẽ đánh giá bệnh nhân có thiếu oxy hay không, bằng cách đo SpO2. Nếu chỉ số SpO2 dưới 93% thì có thể hiểu phổi của bệnh nhân đã bị tổn thương, cần được hỗ trợ thở oxy qua mũi hoặc mặt nạ, hoặc thở oxy với áp lực dương và đưa người bệnh chuyển viện.

Dấu hiệu trở nặng của F0 không triệu chứng
Nhân viên y tế cấp cứu cho nữ bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng đột ngột trở nặng trưa 13/7, tại bệnh viện dã chiến số 4. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Bác sĩ cũng chỉ ra các dấu triệu bệnh thông thường, gồm sốt trên 38 độ C, đau họng, chảy mũi, nghẹt mũi, đau nhức cơ, đau đầu nhiều, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ho nhiều... Những trường hợp bệnh này sẽ được nhân viên y tế hỗ trợ điều trị tại chỗ.

Trong mô hình điều trị tháng 4 tầng, các bệnh viện dã chiến Covid-19 tại TP HCM là tầng một, tiếp nhận theo dõi, chăm sóc, điều trị trên 10.000 F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Những bệnh nhân này có thể diễn biến nặng, nguy kịch bất cứ lúc nào, theo bác sĩ Phương. Do đó, nhân viên y tế vẫn luôn theo dõi sát từng bệnh nhân, nếu người bệnh trở nặng sẽ được cấp cứu tại chỗ, sau đó chuyển tới bệnh viện thuộc tầng tháp số hai (tầng bệnh nhân có triệu chứng nặng) để điều trị chuyên khoa.

Bác sĩ Phương đề nghị F0 tại bệnh viện dã chiến tuân thủ nguyên tắc 5K trong bệnh viện, "tuyệt đối hạn chế tiếp xúc gần với các bệnh nhân khác, dù là chung phòng". Người bệnh tự theo dõi sát sinh hiệu, chủ yếu là đo nhiệt độ bằng nhiệt kế được phát riêng. Giữ vệ sinh cá nhân tốt, bổ sung thực phẩm dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, vitamin C, uống nhiều nước, súc họng thường xuyên, tập thể dục nhẹ (không gắng sức), ngủ đủ giấc, tâm lý thoải mái để hạn chế stress...

"Nguyên tắc 5K, ăn uống sinh hoạt tích cực, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh nặng là ba điểm mấu chốt mà F0 không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ cần thực hiện", bác sĩ Phương nói.

Theo Thư Anh (VnExpress.net)

Nổi bật