Đầu hàng địch có phải là phản bội Tổ quốc?

16/10/2015 17:30:57

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng phải cân nhắc, quy định tội đầu hàng địch vào nhóm tội phản bội Tổ quốc và quy định mức án cao nhất là tử hình.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng phải cân nhắc, quy định tội đầu hàng địch vào nhóm tội phản bội Tổ quốc và quy định mức án cao nhất là tử hình.
 
Với tinh thần giảm bớt số tội danh áp dụng hình phạt tử hình, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đề nghị bỏ án tử hình với nhiều tội danh, trong đó có các tội: chống mệnh lệnh; đầu hàng địch.
 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa nói rằng truyền thống văn hóa quân sự nước ta cho phép người chỉ huy nổ súng tiêu diệt người quay đầu chạy sang hàng ngũ của địch - Ảnh: LÊ KIÊN

Riêng với tội phản bội Tổ quốc, dự luật quy định theo đúng tinh thần Hiến pháp là tội nặng nhất nên áp dụng mức án cao nhất là tử hình.

Theo đó, điều 108 dự thảo bộ luật quy định tội phản bội Tổ quốc: “1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình;

2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm;

3. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Tội đầu hàng địch được quy định tại điều 406 của dự thảo bộ luật với mức án cao nhất là chung thân trong trường hợp giao nộp cho địch tài liệu bí mật nhà nước hoặc khai báo bí mật nhà nước; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

“Đầu hàng địch có phải là phản bội Tổ quốc không? Tôi đề nghị cần hết sức cân nhắc để đưa nội dung này vào, văn hóa quân sự nước ta thì điều này là hết sức nghiêm trọng, truyền thống quân sự từ hàng ngàn năm nay rồi” - ông Nguyễn Kim Khoa bày tỏ.

Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói: “Đúng là Hiến pháp quy định tội phản bội Tổ quốc là nặng nhất, chúng ta vẫn để mức án nặng nhất là tử hình.

Nhưng đầu hàng địch thì có nhiều hoàn cảnh khác nhau, có khi là anh lính trong một trường hợp cụ thể nào đó nên phải đầu hàng địch, còn chuyện đầu hàng có tổ chức do câu kết với nhau thì khác chứ”.

Đáp lại, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Nguyễn Kim Khoa lên tiếng: “Nếu trong chiến đấu anh đầu hàng địch là chỉ huy có quyền bắn ngay, chứ còn chuyện bị bắt làm tù binh là khác. Vì vậy, quy định về hành vi này cần phải rõ”.
 

“Chúng ta phải báo cáo, giải trình với Quốc hội đồng thuận chủ trương giảm án tử hình càng nhiều càng tốt. Đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng thì áp dụng mức án chung thân không giảm án, hoặc là quy định sau 30 năm thi hành án tù thì mới xét giảm án…

Đồng loại với nhau, tử hình không phải là ứng xử văn minh. Còn chuyện đang chiến đấu quay đầu chạy sang hàng ngũ địch, ông chỉ huy có thể bắn lại là chuyện khác rồi”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
 
>> Đà Nẵng có tân Bí thư trẻ nhất nước
>> Ông Nguyễn Minh Triết được bầu vào Tỉnh ủy Bình Định
>> Bầu 69 người vào Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X
 
Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)