Chỉ vì không ngoan khi ăn ở lớp, cháu bé đã bị cô giáo bỏ vào thang máy vận chuyển thức ăn, bấm nút cho thang di chuyển từ tầng 2 xuống đất, gây thương tích nặng.
Thanh niên người Việt chích điện bé Campuchia
Nguyễn Thanh Dũng (34 tuổi, ngụ tại tỉnh An Giang), người chích điện vào bé trai tại một đồn điền cao su ở Campuchia đã bị công an bắt giữ tại quận 7, TP.HCM vào chiều 7/12.
Tại cơ quan công an, Dũng khai, bé trai bị chích điện trong đoạn clip xuất hiện trên mạng là Sai (3 tuổi, người Campuchia). Thậm chí, theo lời Dũng thì bố mẹ Sai thường xuyên giao con cho gã trông và còn có ý định cho Sai làm con nuôi của Dũng.
Dũng bạo hành bé trai. Ảnh cắt từ clip |
Sự việc này đã gây phẫn nộ dư luận ngay từ thời điểm một số clip và hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội. Trong đó, Dũng cầm doi điện chích vào người bé trai không mặt quần áo khiến cháu bé hoảng loạn, kêu khóc bất lực. Ngoài ra, Dũng còn giật tóc, đánh vào đầu, dội nước lên đầu cháu bé...
Liên quan đến sự việc, Cảnh sát Hoàng gia Campuchia xác định, Stefan Struik (mang hai quốc tịch là Hoa Kỳ và Hà Lan) là chủ mưu; Nguyễn Thành Dũng (ngụ tỉnh An Giang) là nghi phạm số 2; Hai đối tượng người Campuchia khác là đồng phạm.
Bé trai bị chích điện. Ảnh cắt từ clip |
Bé trai bị cô giáo bỏ vào thang máy vận chuyển thức ăn, nhấn nút
Ngày 17/9/2010, bé Lê Quang Vinh (SN 2006, quận Tân Phú, TP.HCM) bị cô giáo Trần Thị Xuân Nữ (khi đó 30 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp) bế bỏ vào thang máy vận chuyển thức ăn rồi đóng cửa và bấm cho thang di chuyển từ lầu hai xuống đất.
Chiếc thang máy mà bé Vinh bị bỏ vào chỉ có 1 cửa ở nơi lấy đồ ra vào, mặt trước của thang giáp với bức tường tô xi măng nhám.
Sau đó, cô Nữ cũng đi xuống tầng trệt để đón bé Vinh.
Thế nhưng, do khi bị nhốt vào thang, bé bám tay vào cửa nên người bị cọ xát với tường. Khi thang đến tầng trệt, cửa mở ra, bé Vinh nằm trên sàn, khóc lóc, vô cùng hoảng sợ, toàn thân chảy máu.
"Bé chấn thương quá nặng, máu ướt đẫm từ đầu đến chân; đầu, mặt và toàn thân bầm dập, sưng húp, mắt trái bị lồi ra", chị Dư Thị Thanh Thúy (mẹ bé Quang Vinh) kể với báo giới trong nước.
Thang máy vận chuyển thức ăn bé Vinh bị nhốt. Ảnh: Pháp luật TP.HCM |
Lý do cô Nữ đưa ra do là bé không chịu cầm muỗng tự xúc ăn, khi bị cô nhắc nhở nhiều lần thì không nghe lời.
Sau khi giám định, Viện pháp y Quốc gia kết luận, bé Vinh phải chịu thương tật 38% vĩnh viễn.
Trần Thị Xuân Nữ tại tòa. Ảnh: Vietnamnet |
Tại tòa, cô giáo Nữ cho rằng mình chỉ có ý định "hù" học sinh và không nghĩ sẽ gây ra hậu quả như vậy. Cô giáo này bị tuyên án 4 năm tù. Trường mầm non Hoa Lan (nơi xảy ra vụ án) đã bồi thường cho gia đình nạn nhân 140 triệu đồng.
Bé 9 tháng tuổi bị hành hạ dã man ở Đồng Tháp
Cũng trong năm 2010, sự việc bé Nguyễn Thị Như Ý (SN 2009, khi đó 9 tháng tuổi) bị chính mẹ ruột của mình là Nguyễn Thị Xuân Lan (khi đó 33 tuổi, trú ấp Long Thành A, xã Long Hậu, Lai Vung, Đồng Tháp) và cha dượng Lê Thành Tám (khi đó 34 tuổi, ngụ cùng xóm) hành hạ dã man, bị thương tật vĩnh viễn 25% khiến dư luận "dậy sóng".
Khi kiểm tra vết thương trên người cháu bé, bác sĩ Nguyễn Văn Vệ, trưởng Khoa Ngoại thần kinh chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã chia sẻ thông tin khiến nhiều người rùng mình: "Chúng tôi xác định mấy vết thương này là do ai đó dùng lửa gí vào gây phỏng. Nó đã lở loét, bị tổn thương sâu nên khó điều trị".
Vết thương trên người bé Như Ý. (Ảnh: Đức Vịnh/Tuổi trẻ) |
Cáo trạng của TAND tỉnh Đồng Tháp cho hay: Nguyên nhân chính của sự việc là do bé Như Ý hay khóc, Tám cho rằng bé bị "ma nhập" nên phải điều trị.
Sau khi Lan đồng ý, Tám chữa bệnh bằng cách dùng cằm của mình ấn nhiều lần vào gò má bé Như Ý, hai tay bụm miệng, vò sát làm bé đau đớn khóc thét. Tám dùng cây gỗ lớn đánh vào mông, tay và người cháu bé. Tất cả đều được Lan ghi lại bằng điện thoại.
Lê Thành Tám sau đó bị tòa tuyên 6 năm tù, còn Nguyễn Thị Xuân Lan lĩnh mức án 5 năm tù, đều về tội Cố ý gây thương tích.
Lê Thành Tám và Nguyễn Thị Xuân Lan tại tòa. (Ảnh: Người lao động) |
Vụ án "bé trai" bị chủ nhà bẻ răng, kẹp sứt môi chấn động dư luận
"Bé trai" Hào Anh (còn có tên gọi Nguyễn Hoàng Anh) bị bạo hành từ năm 12 tuổi. Hiện em đã là 1 thanh niên, thế nhưng, vụ án chấn động dư luận này vẫn gây xót xa cho rất nhiều người, bởi mức độ tàn độc, dã man của vợ chồng chủ đầm tôm.
Khi chỉ mới 12 tuổi (năm 2008), Hào Anh được gửi vào làm thuê ở đầm tôm của cặp vợ chồng Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm (xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Tại đây, suốt trong 2 năm từ 2008 - 2010, Anh chịu hàng loạt chiêu tra tấn như thời chung cổ của vợ chồng Giang - Thơm.
Hào Anh bị đánh, bẻ răng, gí bàn ủi nóng vào người, ép uống nước tiểu, dùng dao rạch lưng đổ formol, dùng kìm kẹp môi, đũa than nóng chích vào người.... Cuối tháng 4/2010, sự việc mới bị dư luận phát giác.
Hậu quả của những trận tra tấn đó là một cơ thể chằng chịt vết thương, sẹo, khuôn mặt biến dạng... , với tỷ lệ thương tật lên đến 68%. Ngoài ra, tâm lý của em cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Hai vợ chồng chủ trại tôm hành hạ Hào Anh sau đó bị tòa tuyên phạt mỗi người 23 năm tù giam.
Vết thương trên thân thể Hòa Anh khi bị dùng nhục hình. Ảnh: Châu Anh Dũng/Tuổi trẻ |
Hào Anh ở hiện tại. Ảnh: Việt Tường/Zing.vn |
Về phần Hào Anh, sau khi trở về cộng đồng, với khoản tiền hỗ trợ từ các nhà từ thiện, em đã cho mẹ tiền xây nhà ở TP. Cà Mau. Thế nhưng, từ 2014, Anh đã ăn chơi, tiêu hết tiền, cắm xe máy, giục mẹ bán đất...
Sau đó, Hào Anh và một người nữa đã gây ra 1 vụ trộm, em bị bắt ngày 16/5/2015. TAND huyện Đơn Dương đã đưa vụ án ra xét xử hôm 23/10/2010. Hội đồng xét xử sau đó đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đưa Hào Anh đi giám định tâm thần, nhưng kết quả cho thấy em chỉ bị rối loạn nhân cách, cảm xúc không ổn định. Thanh niên này hiện đã bị truy tố lại.
Dấu hiệu nhận biết trẻ có thể đang bị bạo hành Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu trước đây đã từng chia sẻ những dấu hiệu giúp các bậc phụ huynh nhận biết được con em mình có bị bạo hành khi đến lớp hay không. Cụ thể như sau: Dấu hiệu tâm lý * Biểu hiện 1: Bé luôn gào khóc không muốn vào lớp dù đã qua tuần lễ làm quen đầu tiên. Bé lớn hơn có thể thường xuyên mếu máo bảo "con không muốn tới trường!". * Biểu hiện 2: Bé thể hiện sự sợ hãi khi thấy cô giáo. Không nhìn thấy cô thì có thể im nhưng hễ thấy cô là bé hốt hoảng hay kêu khóc. * Biểu hiện 3: Bé lầm lì, nhút nhát, hay sợ sệt hoặc ngược lại, dễ cáu, dễ thét, dễ bùng nổ cảm xúc. * Biểu hiện 4: Bé thấy cơm là sợ hãi. Hoặc ở nhà thì ăn nhưng vào lớp hay bị cô méc là bé biếng ăn, bé hất cơm. * Biểu hiện 5: Bé hay gặp ác mộng, thường xuyên giật mình nửa đêm rồi ngồi khóc. Dấu hiệu sinh lý * Bé có vết bầm trên người, vết xước, đầu bị u (nên xoa đầu trẻ hỏi trẻ có đau không?). * Nếu trẻ lớp chồi hay lớp lá đã biết nói, nên thường xuyên tập cho trẻ kể chuyện ở lớp, ở trường. * Nếu trẻ còn quá bé, không biết nói, cha mẹ nên thỉnh thoảng đột xuất ghé thăm con (giữa giờ nghỉ trưa, thậm chí giữa giờ làm việc, giữa giờ ăn) với lý do đem sữa/thuốc/đồ thay cho bé. |
Theo Thành Công (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)