Trong 2 kỳ trước, PV đã thông tin tới độc giả về quá trình chữa trị bệnh “kỳ lạ” của một bệnh nhân nam tại Phòng khám Đa khoa Đông Phương (số 497 Quang Trung, phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội).
Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là phòng khám phụ khoa, Nam học duy nhất “có vấn đề” trong việc chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Hãy khám phá những “vấn đề” đó theo góc nhìn tổng quan, qua lời chia sẻ của một chuyên gia Nam học uy tín tại Hà Nội, từng xử lý nhiều ca bệnh lĩnh “hậu quả” sau khi tới các phòng khám tư có bác sĩ Trung Quốc chữa trị!
Những tiết lộ này có thể khiến không ít người cảm thấy ngỡ ngàng…
Chiêu trò chung để “móc từ đồng tiền đầu tiên đến cuối cùng” của người bệnh
“Tôi sẽ nói rất mạnh, rất thẳng về thực trạng các phòng khám có yếu tố bác sĩ Trung Quốc chuyên về phụ khoa, Nam học. Tôi đã tiếp xúc và chữa trị cho rất nhiều hoàn cảnh bệnh nhân bị họ (các phòng khám tư – PV) móc từ đồng tiền đầu tiên cho tới cuối cùng trong quá trình trị bệnh”, bác sĩ N.H bày tỏ.
Vì lí do nhạy cảm, PV sẽ ẩn danh của vị chuyên gia lĩnh vực Nam học này trong bài.
Theo bác sĩ H., chiêu trò đầu tiên của các phòng khám tư là phát triển hệ thống quảng bá thông tin, PR… vô cùng quy mô trên internet, giúp họ chèo kéo khách hàng rất hiệu quả.
“Khi gặp vấn đề ‘khó nói’ ở cơ quan sinh dục, nhiều người không chia sẻ với ai mà tự mình tìm kiếm thông tin trên internet. Đánh vào tâm lý đó, các phòng khám tư phủ thông tin rộng khắp, và nếu người bệnh lỡ hỏi han thì đội ngũ tư vấn sẽ lập tức vào cuộc một cách nhiệt tình, tìm mọi cách liên hệ, tiếp cận. Khi tới nơi, bệnh nhân được phục vụ tích cực, không phải xếp hàng, chờ đợi… Tất cả điều đó khiến nhiều người vẫn tìm tới các phòng khám tư thiếu uy tín”, bác sĩ H. cho biết.
Sau đó, các tư vấn viên hoặc bác sĩ khám trực tiếp sẽ… “đe dọa” người bệnh bằng việc chỉ ra hàng loạt bệnh nguy hiểm như: Nấm nghiêm trọng, lậu, sùi mào gà… Song theo vị chuyên gia Nam học trên, rất nhiều trường hợp là bị “vẽ bệnh”, “không có bệnh mà bị chẩn đoán là có”.
“Người bệnh sẽ rất hoang mang, vì bỗng nhiên bị thông báo bản thân mắc bệnh xã hội. Cần biết rằng một khi rơi vào hoàn cảnh đó, việc điều trị sẽ thành liên đới, vì nguyên tắc là phải điều trị cho mọi bạn tình của người bệnh đó. Do vậy, phòng khám sẽ được hưởng lợi”, bác sĩ H. chia sẻ.
Chiêu trò thứ 2, theo bác sĩ H., là… báo thêm giá trên bàn mổ. “Người nào không biết thì thấy rất lạ, nhưng với các phòng khám, đây là cách phổ biến để làm phát sinh chi phí đáng kể. Khi đang tiến hành phẫu thuật theo kế hoạch, ê-kíp của phòng khám sẽ thông báo thêm các bệnh khác, để người bệnh phải làm thêm phẫu thuật, và mất thêm tiền. Kéo theo sau đó là hàng loạt bước tiêm, truyền bổ sung để… móc thêm tiền”, bác sĩ H. cho biết.
Trong quá trình xử lý cho nhiều ca bệnh bị mất tiền ở các phòng khám tư, bác sĩ H. đã vô cùng bức xúc vì chứng kiến những chỉ định vô lương tâm, như: Cắt bỏ những thứ… không cần phẫu thuật; Truyền kháng sinh phổ rộng rất ảnh hưởng sức khỏe (dù thực tế không cần hoặc chỉ cần dùng kháng sinh dự phòng loại phổ thông qua đường uống); Chỉ định làm các dịch vụ phản khoa học (như chiếu hồng ngoại vào vùng dương vật)…
“Điểm danh” một số ca bệnh đặc trưng là “nạn nhân của phòng khám tư”
Khi được đề nghị cung cấp thông tin của một số ca bệnh đặc trưng là nạn nhân của các phòng khám tư thiếu y đức, bác sĩ H. liên tục lắc đầu vì “quá nhiều, nhiều đến nỗi không kể hết”.
Vị bác sĩ trên cung cấp cho PV Báo ANTĐ về trường hợp một bệnh nhân tên Đ.D (trú tại Thanh Hóa) vừa được anh chữa trị.
“Bệnh nhân này khi tới phòng khám tư có bác sĩ Trung Quốc thì bị chẩn đoán là ‘sùi mào gà’. Nhưng thực chất các hạt ở dương vật của D. chỉ là sẩn ngọc dương vật. Đây không phải bệnh lý, mà chỉ là tổn thương lành tính, hoàn toàn không cần tác động gì. Vậy mà phòng khám đã chỉ định làm thủ thuật đốt cho D., khiến sau đó, bệnh nhân này bị viêm loét toàn bộ gờ quy đầu, chảy rất nhiều mủ”, bác sĩ H. thông tin.
Cho PV xem loạt ảnh “đáng sợ” về tình trạng loét, chảy mủ trắng kín phần gờ quy đầu trên dương vật của bệnh nhân, vị bác sĩ trên cho biết anh D. đã phải chịu đau đớn trong suốt 3 tuần, trong khi chi phí trả cho phòng khám cũng xấp xỉ 20 triệu đồng.
“Khi tới bệnh viện chỗ tôi điều trị, bệnh nhân D. được chữa trong 2 tuần là khỏi hoàn toàn. Liệu trình chỉ là bôi thuốc, uống thuốc… với tổng chi phí khoảng 1 triệu đồng”, bác sĩ H. cho hay.
Ngoài ra, một trường hợp bệnh nhân khác đi khám tại phòng khám tư ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) là anh N.Q.M cũng bị kê đơn thuốc có giá lên tới 7,2 triệu đồng, với biểu hiện “ngứa ngáy ở bộ phận sinh dục”. Khi tới khám tại một bệnh viện lớn uy tín khác ở Hà Nội, anh M. chỉ mất… 120.000 đồng để mua một tuýp thuốc bôi, và sau đó hoàn toàn khỏi bệnh.
Trước thực trạng “bát nháo phòng khám tư” nói trên, bác sĩ H. khuyến cáo bệnh nhân phụ khoa, Nam học, cần tìm hiểu kỹ thông tin về cơ sở khám chữa bệnh qua nhiều nguồn, không chỉ tin tưởng nguồn internet duy nhất.
“Nếu cơ sở nào có cách tiếp cận quá vồ vập, nhiệt tình ở mức thái quá, thì phải thận trọng. Đặc biệt, với những trường hợp báo thêm giá, thu tiền trên bàn mổ, thì người bệnh phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nên chấp nhận làm theo tư vấn ở thời điểm đó. Và nếu thấy xuất hiện tình trạng viêm nhiễm, bệnh nhân phải tới ngay cơ sở y tế uy tín để kiểm tra, và được xử lý kịp thời”, bác sĩ H. khuyến cáo.
Theo Trung Hiếu (An Ninh Thủ Đô)