Đắp lá cây chữa mụn, bé trai 18 tháng tuổi nguy kịch

28/10/2015 09:08:53

Ngày 27-10, theo tin từ Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, tại đây vừa tiếp nhận cháu V.Q.V. (18 tháng tuổi, ở Hà Giang) trong tình trạng nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn và hoại tử da do bố mẹ tự ý đắp lá chữa mụn.

Ngày 27-10, theo tin từ Bệnh viện (BV) Nhi trung ương, tại đây vừa tiếp nhận cháu V.Q.V. (18 tháng tuổi, ở Hà Giang) trong tình trạng nhiễm trùng máu, sốc nhiễm khuẩn và hoại tử da do bố mẹ tự ý đắp lá chữa mụn.

 

Tại BV Nhi Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị nhiễm khuẩn huyết, theo dõi sốc nhiễm trùng. Sau khi làm các xét nghiệm, trẻ được chống sốc, dùng thuốc kháng sinh, truyền dịch, truyền máu và rạch dẫn lưu mủ ở vùng mông do áp-xe tại khoa Điều trị tích cực. 3 ngày sau, da vùng mông và đùi trái của trẻ tiếp tục hoại tử, các bác sĩ đã chỉ định mổ cắt lọc tổ chức hoại tử này.

Theo bác sĩ Hoàng Hải Đức, Phó trưởng Khoa Chỉnh hình Nhi (BV Nhi Trung ương), với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng ngay lập tức cháu V. được điều trị kháng sinh liều cao và rạch dẫn lưu mủ ở vùng mông. Tuy nhiên, sau 2 ngày da vùng mông và đùi trái của trẻ tiếp tục hoại tử, các bác sĩ buộc phải chỉ định mổ cắt lọc tổ chức hoại tử này. Sau 2 lần phẫu thuật và điều trị tích cực, tới đây bệnh nhi sẽ phải ghép da. “Đây là một trường hợp nhiễm khuẩn phức tạp sau đắp lá dẫn đến tình trạng viêm nhiễm lan rộng, hoại tử da và các tổ chức phần mềm, nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhi”, bác sĩ Hoàng Hải Đức nhận định.

Cũng theo bác sĩ Hoàng Hải Đức, hiện một số gia đình vẫn có thói quen chữa bệnh cho con theo kinh nghiệm dân gian hoặc bài thuốc gia truyền của các “thầy lang”. Mỗi tháng khoa Chỉnh hình Nhi tiếp nhận 1-2 trường hợp nhập viện do gia đình tự ý đắp lá, đắp cao khi trẻ bị thương, gây ra viêm tấy lan rộng, tạo thành ổ áp-xe. Trong số này không ít trường hợp bệnh nhân đến khi vết thương đã để lâu gây ra nhiễm trùng huyết, bị hoại tử, phải cắt bỏ chi do biến chứng nặng.

Bác sĩ Hoàng Hải Đức cho rằng, đây là việc làm khá nguy hiểm bởi nhiều “thầy lang” không được đào tạo cơ bản về chuyên khoa y tế, khó có thể nhận biết mức độ thương tổn của vết thương cũng như tình trạng bệnh lý của người bệnh để điều trị, khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm, nếu không được điều trị kịp thời dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra viêm mủ màng tim, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên tự ý bó thuốc lá, bó bằng các loại cây cho trẻ, tốn kém mà không hiệu quả, cần đưa con đến các cơ sở y tế đáng tin cậy để được cấp cứu và xử lý kịp thời.
 
>> Thực hư “công chúa nhà trời” chữa bệnh nan y bằng…nắm đấm
 
Theo Xuân Dũng (Hà Nội Mới)