Ám ảnh ‘địa ngục trần gian'
Cũng như hàng trăm nạn nhân khác, thất nghiệp ở quê, L.V.H. (18 tuổi, quê Thái Bình) lên mạng kiếm việc và được giới thiệu vào làm ở TP.HCM với mức lương mơ ước từ 20-30 triệu đồng/tháng.
Vừa xuống ô tô tại một bến xe ở TP.HCM, em H. được 2 người đón, lo ăn uống và cho về khách sạn nghỉ ngơi rất chu đáo. Đến gần tối, họ đưa H. cùng khoảng 10 người khác lên Tây Ninh rồi vượt qua giới Việt Nam - Campuchia.
Cũng từ lúc này, H. và các nạn nhân biết mình bị lừa bán sang Campuchia lao động bất hợp pháp. Tuy nhiên, mọi thay đổi lúc đã quá muộn, khi những kẻ môi giới đã cầm tiền của các ông chủ lao động bất hợp pháp rồi “bặt vô âm tín”.
“Ở chỗ mà mọi người gọi là “công ty” nhưng lại bắt các công dân Việt Nam lên mạng lừa đảo người khác qua các App (ứng dụng) có giao diện giống Shopee, Lazada, Zalo... mà bọn chúng tạo ra.
Chúng buộc em vào ứng dụng hẹn hò trên Facebook để điền thông tin giả làm nữ, rồi làm quen hẹn hò. Khi nói chuyện vài ngày, đối tượng có tình cảm, tạo được sự tin tưởng, sẽ yêu cầu chuyển tiền mua đồ và chiếm đoạt nộp cho bọn chúng”, H. kể.
Làm không đạt chỉ tiêu, chỉ mới 15 ngày, L.V.H đã bị chích điện, đánh đập dã man rồi bán cho Casino Rich World (Campuchia) với giá 3.000 USD.
Tại đây, H. làm được 4 tháng nhưng không đạt chỉ tiêu, bị đưa lên tầng 8 còng lại đánh đập, chích điện suốt 8 ngày.
“Bước vào trong đó như vào địa ngục. Ở đó, bọn chúng tra tấn người không biết thương xót”, L.V.H rùng mình kể lại.
Cũng theo chia sẻ của H., hầu hết các khu làm việc bất hợp pháp tại Campuchia, lúc nào cũng túc trực hàng chục thanh niên bặm trợn, cao lớn người bản địa và Trung Quốc.
Thoát 'địa ngục', kẻ sống, người mất mạng
Lao động người Việt, sau khi sang Campuchia nhanh chóng được những “ông chủ giấu mặt” xem như là món hàng và định giá để mua bán.
Cụ thể, chúng cộng tiền đã bỏ ra để mua người về từ các môi giới và tiền ăn, tiền trọ để tạo khoản nợ, bắt người lao động trả dần.
Dĩ nhiên, ai muốn nhanh chóng được trở về cố hương, thì phải nói gia đình chi trả hàng trăm triệu đồng để chuộc.
“Có lần mẹ bệnh, không có tiền gửi về nên em làm liều lấy tiền của chúng và bị phát hiện. Sau đó, chúng lôi em lên tầng 8 tra tấn, rồi gọi video cho gia đình em để ép gửi 360 triệu đồng qua chuộc.
Gia đình em rất lo lắng, sợ chúng đưa em qua Thái Lan mổ lấy nội tạng bán để thu hồi vốn”, H. kể mà chưa hết hoảng sợ.
Anh Đ.T.H. (SN 1985, trú huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) được biết đến là một Tiktoker khá nổi tiếng trong cộng đồng người Việt ở Campuchia khi chàng trai này đã kết nối, giải cứu hàng trăm nạn nhân thoát khỏi đường dây mua bán người.
Anh H. kể, năm 2009, anh làm việc cho một công ty viễn thông ở Campuchia nên khá thông thạo ngôn ngữ của đất nước này. Sau thời gian trở về Việt Nam, năm 2021 anh tiếp tục sang, bị bán cho một công ty tại khu Chinatown, thành phố cảng Sihanoukville.
Tại đây, anh H. bị bắt làm việc, nhưng do thông thạo ngôn ngữ, lại làm được việc nên anh được ông chủ người Trung Quốc tin tưởng.
“Họ nói 6 tháng thì tôi được về nhưng không phải thế, chúng giam lỏng và canh giữ nghiêm ngặt.
Hôm đó vào khoảng 3h sáng, nhân lúc chúng sơ hở, tôi đã vượt tường trốn ra ngoài. Sau đó, tôi đọc thấy thông tin chúng treo thưởng 30.000 USD cho người nào tìm và bắt được tôi”, anh H. chia sẻ.
Tháng 2/2022, do công việc ở quê không ổn định, anh H. quay trở lại Campuchia kiếm sống bằng việc đưa đón người sang, người về và làm dịch vụ visa sân bay, cho thuê nhà liên quan đến người Việt sinh sống ở đây.
Theo anh H., hầu hết những người Việt sau khi làm việc ở Campuchia một thời gian, phát hiện bị lừa đều mong ngóng được “vượt ngục” để về quê. Tuy nhiên, quá trình giải cứu nạn nhân không dễ dàng và nguy hiểm đến tính mạng.
Người đàn ông này cũng chia sẻ, trung bình, mỗi lao động Việt Nam muốn được tự do phải bỏ ra khoản tiền chuộc từ 2.000 - 7000 USD (tùy từng công ty). Cứ mỗi giao dịch, sau khi đếm đủ tiền, kiểm tra điện thoại của anh H. mà không phát hiện điều bất thường thì chúng sẽ thả người.
“Có thời điểm tôi phải dùng mọi cách để thoát khỏi vòng vây của bộ phận bảo an "công ty ma". Có lúc trên xe tôi đang chở một nạn nhân vừa trèo tường ra ở thủ đô Phnom Penh. Tôi phải khóa cửa ô tô, vượt qua 10 người đàn ông lực lưỡng, có tới 3 ô tô vây thành vòng.
Dĩ nhiên, không phải nạn nhân nào cũng được may mắn vì trên thực tế, có nhiều lao động người Việt đã phải bỏ mạng nơi xứ người”, anh H. chia sẻ.
Trong những lần giải cứu, chuộc người, anh H. kể và ám ảnh nhất là lần phải đưa thi thể nạn nhân N.T.Đ. (SN 1995, quê Nghệ An, sống tại Tây Nguyên) trở về nước vào tháng 7 vừa qua.
Sau hai tháng đi “chui” sang Campuchia, bị bán vào các công ty lừa đảo do người Trung Quốc làm chủ, Đ. bị bóc lột sức lao động, bị đánh đập.
Ngày 13/7, người thân của nạn nhân Đ. nhắn tin nhờ anh H. tìm để đưa về nước. Khoảng 4 ngày sau, anh H. nắm được thông tin, vị trí của Đ. và liên hệ công ty để xin giá chuộc về.
“Tuy nhiên, khi chưa kịp chuộc người thì lúc 9h25 ngày 19/7, Đ. đã nhảy từ tầng 9 xuống tử vong. Tôi cảm thấy day dứt và ám ảnh trước cái chết của thanh niên này khi chưa kịp trả tiền chuộc”, anh H. ngậm ngùi nói.
Trên thực tế, Đ. chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân, phải đánh đổi mạng sống của mình sau những cuộc tháo chạy khỏi vấn nạn buôn người tại các khu làm việc bất hợp pháp ở Campuchia trong thời gian qua.
Theo Quang Thành (VietNamNet)