Đạo đức nghề báo giữa “biển” thông tin

21/06/2015 09:35:28

Bên cạnh những tờ báo đang ngày càng nhận được sự yêu mến, tin tưởng của bạn đọc, thì vẫn còn không ít tờ báo đang ngày càng bị bạn đọc xa lánh. Đơn giản bởi trên những tờ báo này, các tin “nhảm, sốc, sex, sến” tràn ngập, rồi “tin vịt” cũng không còn là của hiếm...

LTS. Bên cạnh những tờ báo đang ngày càng nhận được sự yêu mến, tin tưởng của bạn đọc, thì vẫn còn không ít tờ báo đang ngày càng bị bạn đọc xa lánh. Đơn giản bởi trên những tờ báo này, các tin “nhảm, sốc, sex, sến” tràn ngập, rồi “tin vịt” cũng không còn là của hiếm. Con sâu làm rầu nồi canh, niềm tin của độc giả vào báo chí, vào nhà báo vì thế đang có phần giảm sút.

Sự bùng nổ của các mạng xã hội cung cấp thêm rất nhiều thông tin cho phóng viên có thể khai thác, triển khai đề tài. Nhưng cũng từ thế giới mạng, một kiểu tác nghiệp được gọi là “phóng viên salon” đã ra đời. Một thông tin được phát ra trên mạng xã hội, không lâu sau đó đã được xuất bản thành thông tin trên trang báo điện tử mà thiếu sự kiểm chứng nguồn tin.
 
Thậm chí, chưa cần thông tin được tung lên mạng, chỉ một câu chuyện tiếu lâm “nàng dâu dính bố chồng” cũng được tung lên thành sản phẩm báo chí. Rồi câu chuyện về một nữ sinh viên cao đẳng bỏ lên Đà Lạt chơi được nhiều tờ báo đưa lên thành chuyện nữ sinh mất tích với tình tiết ly kỳ... Tóm lại, những thông tin “lạ” trên mạng giờ đây được “xuất bản” trên mặt báo mạng một cách dễ dãi.
 

Hay như mới đây nhất, khi cái tên Ánh Viên đang là cơn sốt trên các mặt báo trong và ngoài nước, đã có tờ báo đưa thông tin sốc: “Cô gái thép” có sải tay dài 1m98, chỉ kém Michael Phelps. Nhưng sự thật, sải tay của Ánh Viên là 1m78. Khi được đồng nghiệp của chúng tôi hỏi về thông tin sải tay dài 1m98, Ánh Viên cười bảo: “Thế thì em thành con vượn à?”.

PGS -TS Nguyễn Thành Lợi – Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Không thiếu hiện tượng phóng viên lấy thông tin trên mạng xã hội, Facebook mà không qua kiểm chứng hay việc khai thác đời tư của người nổi tiếng. Qua đó, phóng viên đã sử dụng tin đồn rồi chính thống hóa bằng bài báo của mình, tiếp tay cho việc suy diễn, đồn đoán gây hậu quả khôn lường”.

PGS Nguyễn Thành Lợi dẫn chứng sự việc ngày 21.2.2013 khi trên mạng xuất hiện tin đồn chủ tịch HĐQT của một ngân hàng bị bắt, một số trang thông tin đã không kiểm chứng cho đăng tải thông tin này, gây thiệt hại lớn cho ngân hàng và tiếp tay cho các tờ báo lề trái suy diễn, xuyên tạc, ảnh hưởng xấu đến dư luận.

Tác nghiệp chuyên nghiệp

Nhà báo Đỗ Văn Dũng – Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ cho rằng báo chí đang đứng trước thử thách rất lớn về niềm tin của bạn đọc: “Người ta dần không tin vào báo chí nữa, chúng ta phải vượt qua như thế nào đây?”.

Giải pháp nhà báo Đỗ Văn Dũng đưa ra là cách tác nghiệp chuyên nghiệp của phóng viên, nhà báo để tạo ra chất lượng thông tin được độc giả tin cậy.

Nhà báo Đỗ Văn Dũng cho hay: “Anh không thể là nhà báo salon, anh không thể nghe một chiều mà phải xác minh, trích dẫn nguồn tin. Chúng tôi làm báo cũng có sai sót và chúng tôi phải nhìn lại từng sai sót để học đến nơi đến chốn để mang đến chất lượng thông tin cao nhất, chính xác, tin cậy, nhân văn và nhanh nhất”.

PGS - TS Nguyễn Thành Lợi cho rằng một trong những biện pháp nâng cao trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là phải chuyên nghiệp hóa cách thức thu thập và xử lý thông tin. Cụ thể, nhà báo có thể tham khảo thêm tư liệu từ những bài viết trước đó về cùng sự việc để bổ sung tư liệu nếu thiếu, song bắt buộc phải ghi rõ nguồn tin. Mặt khác, cũng cần phải đến tận nơi xảy ra vụ việc để lấy thông tin mới nắm bắt được bản chất và những yêu cầu của dư luận tại nơi xảy ra sự kiện.
 
PGS - TS Nguyễn Thành Lợi

Không thiếu hiện tượng phóng viên lấy thông tin trên mạng xã hội, Facebook rồi chính thống hóa bằng bài báo của mình, tiếp tay cho việc suy diễn, đồn đoán gây hậu quả khôn lường. 
 
Nhà báo Lê Duy Truyền – Phó Tổng Giám đốc TTX Việt Nam: "Vững tay chèo” giữa "biển" thông tin
 
Đã có người gọi mạng xã hội là báo chí công dân khi bất cứ ai tham gia đều có thể trở thành người đưa tin. Vì thế, mỗi nhà báo đều có thể trở thành công dân mạng tích cực.

Trước những hiện tượng thông tin tiêu cực lan truyền trên mạng gây ảnh hưởng xấu tới xã hội, các nhà báo ngoài việc thực hiện kịp thời các sản phẩm báo chí chính thống, cần chủ động xuất hiện trên truyền thông xã hội như những thành viên tích cực, định hướng dư luận trong biển thông tin không được kiểm chứng.

Trong "biển" thông tin nhiều sóng cả, chúng ta phải giữ vững tay chèo – chính là giá trị cốt lõi của báo chí chính thống, bởi đó chính là sức mạnh của nền báo chí cách mạng. Với TTXVN, câu khẩu hiệu “Nhanh – Trúng – Đúng – Hay” có lẽ phải đổi thành “Đúng – Nhanh – Trúng – Hay” trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng như hiện nay.

Nhà báo Lê Quang Minh – Phó Trưởng Ban Thời sự Đài Truyền hình VN: Nhà báo cũng phải  nhận lỗi

Vừa qua, tôi thấy có đại biểu Quốc hội nhận lỗi vì đã bấm nút thông qua Luật BHXH (sửa đổi), trong đó có Điều 60 bị nhiều người lao động phản đối. Tôi nghĩ báo chí cũng phải nhận lỗi trong việc này.

Báo chí phải xuất phát từ thực tiễn đời sống để cung cấp một trục thông tin khác trong quá trình lấy ý kiến và thảo luận dự thảo luật. Và biết đâu, các đại biểu Quốc hội sẽ nhìn vào đó để có quyết định sáng suốt hơn. Chưa hết, sau khi Điều 60 được thông qua cùng với dự luật, báo chí lại phải một lần nữa lý giải tại sao nó như vậy. Một khi độc giả, ở đây là những người công nhân nhận thức được đầy đủ, chắc chắn họ sẽ không hành động quá khích như những gì đã xảy ra.
 
Minh Phong (ghi)
 
Theo Vinh Hải (Dân Việt)

Nổi bật