Danh tướng tự thiêu xin tha chết cho lính và ngôi mộ gió ở Sài Gòn

17/07/2016 10:14:00

Không thể đánh lại đối phương, Võ Tánh gửi thư xin tướng nhà Tây Sơn Trần Quang Diệu tha chết cho binh lính và thường dân trong thành, rồi châm lửa tự thiêu.

Không thể đánh lại đối phương, Võ Tánh gửi thư xin tướng nhà Tây Sơn Trần Quang Diệu tha chết cho binh lính và thường dân trong thành, rồi châm lửa tự thiêu. 

Theo sử liệu, Võ Tánh (sinh năm 1768) người gốc Biên Hòa, sau dời về huyện Bình Dương thuộc Phiên Trấn (nay là TP HCM). Vì không chịu thần phục nhà Tây Sơn, ông cùng người anh phất cờ khởi nghĩa tại thôn Vườn Trầu (Gia Định), rồi kéo quân chiếm giữ cả vùng Gò Công. Nghĩa quân của ông có đến hàng chục nghìn người.

Năm 20 tuổi Võ Tánh theo phò chúa Nguyễn Ánh, được phong làm Tiên Phong Dinh Khâm Sai Chưởng Cơ và được Nguyễn Vương gả em gái là công chúa Ngọc Du. Từ buổi đầu ông đã giúp Nguyễn Vương lập nhiều chiến công.

Sau khi đánh bại tướng Tây Sơn Đào Văn Hồ, đoạt thành Diên Khánh vào năm 1790, Võ Tánh được thăng chức Khâm Sai Quán Suất Hậu Quân Dinh Bình Tây Tham Thắng Tướng Quân Hộ Giá. Bốn năm sau, ông tiếp tục được chúa Nguyễn phong tước Quận Công kiêm lãnh chức Đại Tướng Quân.

danh-tuong-tu-thieu-xin-tha-chet-cho-linh-va-ngoi-mo-gio-o-sai-gon

Ngôi mộ gió của Tướng quân Võ Tánh do vua Gia Long Nguyễn Ánh cho lập ở Phú Nhuận. Ảnh: Trung Sơn

Năm 1799, Võ Tánh cùng Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức theo chúa Nguyễn Ánh tiến đánh thành Quy Nhơn. Tướng Tây Sơn là Lê Văn Thanh phải mở cửa thành xin hàng. Chiếm được thành, Nguyễn Vương đổi tên là Bình Định. Sau đó, giao cho Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ rồi cho rút đại quân về Gia Định.

Một năm sau, quân Tây Sơn do Thái phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng chỉ huy tổ chức tấn công, bao vây thành Bình Định. Chúa Nguyễn cùng Tả quân Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy đem đại binh tìm cách giải cứu, đại thắng thủy quân Tây Sơn tại Thị Nại nhưng không giải vây được thành. Song, nghe lời khuyên của Võ Tánh, Nguyễn Ánh rút quân tiến đánh Phú Xuân.

Trần Quang Diệu tiếp tục thúc quân ngày đêm đánh thành. Cạn kiệt lương thực, có người khuyên Võ Tánh nên vượt vòng vây thoát nguy nhưng ông cương quyết ở lại và tuyên bố: "Không thể được. Ta phụng mệnh giữ thành này nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy Chúa thượng".

Theo sách Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim, Võ Tánh sau đó viết thư rồi sai người trao cho Tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu, nói rằng "phận sự ta làm chủ tướng thì đành liều chết ở dưới cờ, còn các tướng sĩ không có tội gì, không nên giết hại". Xong, ông sai thuộc hạ lấy rơm cũi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào châm ngòi tự hỏa thiêu. Ngô Tùng Châu cũng dùng thuốc độc tự vẫn. Võ tướng quân tuẫn tiết vào ngày 7/7/1801.

Khi chiếm được thành, Tướng Tây Sơn Trần Quang Diệu xúc động trước sự trung dũng của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu nên sai người tẩm liệm thi hài tử tế, y theo lời yêu cầu không xử tội hay giết hại các tướng và binh sĩ của nhà Nguyễn.

Việc này, sách Đại Nam thực lục ghi: "Trần Quang Diệu dẫn quân vào thành, trông thấy, chảy nước mắt, lấy lễ mà chôn cất. Tướng sĩ trong thành, không giết hại ai cả". Mộ Võ Tánh nằm trong nội cung thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc ở Bình Định. Mộ hình tròn trên nấm có đắp hình con dơi. Mộ nằm kề bên mộ Ngô Tùng Châu, hình chữ nhật (sau cải táng về Phù Cát).

Năm 1802, nhà Tây Sơn bị quân Nguyễn Vương đánh bại. Khi lên ngôi, Nguyễn Phúc Ánh với vương hiệu Gia Long truy tặng Võ Tánh là Dực Vận công thần Thái úy Quốc công. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), truy phong ông là Hoài Quốc công.

Vì không đưa được thi thể của Võ Tánh về Gia Định mai táng nên Nguyễn Ánh đã tổ chức an táng ông tại Phú Nhuận dưới hình thức "mộ gió" - chôn theo hình nhân bằng sáp. Khu lăng mộ này hiện tọa lạc tại hẻm 19 đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận, TP HCM). Trong quyển Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển có viết "thi hài Võ Tánh bị cháy hết, về sau vua Gia Long sai lập mộ tưởng nhớ ông ở Phú Nhuận, chôn hình nhân bằng sáp".

Lăng Võ Tánh trong di tích thành Hoàng Đế (tỉnh Bình Định). Ảnh: Wikipedia

Lăng mộ Võ Tánh ở Sài Gòn trang trí giống như khu thờ tự của Tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân ở Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát và yên tĩnh. Từ cổng lăng vào lần lượt là nhà võ ca, đền thờ, lăng mộ. Trước mộ có bình phong tiền, mặt trước vẽ hình con hổ, mặt sau vẽ hình "long mã hà đồ" (trên lưng con long mã có một thanh gươm cột trên chồng binh thư, quanh mình lân mã là những đốm lửa). 

Sau bình phong tiền là cửa lăng rộng hơn 2 m, hai bên có trụ biểu, trên đầu mỗi trụ có chạm búp sen lớn. Trước mộ có nhang án. Phần nấm mộ có hình chữ nhật, dài khoảng 4 m, rộng 3 m và cao 4 tấc. Cuối cùng là bình phong hậu vẽ hình "vân hạc" ngụ ý võ tướng công cưỡi hạc về trời. 

Cùng với ngôi mộ gió ở quận Phú Nhuận do vua Gia Long cho lập, trên đường Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình), dưới tán một gốc cổ thụ xum xuê cũng có một mộ gió với quy mô nhỏ hơn của tướng Võ Tánh. Tương truyền, ngôi mộ này do người dân trong vùng lập nên để hương khói cho Võ tướng quân - người đã trung dũng tuẫn tiết để xin bảo toàn tính mạng cho binh lính của mình.

Tại ấp Gò Tre (Long Thuận, thị xã Gò Công, Tiền Giang) có đền thờ mang tên Võ Quốc công miếu thờ Võ Tánh. Hàng năm, đến ngày giỗ Võ Tánh (27/5 Âm lịch), có hàng nghìn người dân địa phương và các vùng lân cận đến cúng viếng, tạo nên nét sinh hoạt tâm linh nổi bật ở vùng Gò Công trong hơn một thế kỷ qua.

Theo Trung Sơn (VnExpress.net)

Nổi bật