Người đàn ông bị đánh chảy máu đầu ở cuộc họp. Ảnh cắt từ clip của VTC14. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân sâu xa chính là do người dân trong thôn không chấp nhận bán cây sưa với giá 24,5 tỷ đồng mà UBND xã Hà Mãn đã đấu giá thành công trước đó.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, một người dân của thôn cho rằng, mâu thuẫn xuất phát từ việc xã bán cây sưa với giá 24,5 tỷ đồng, nhưng không họp dân.
"Người dân đã không đồng tình về cách làm ở đây vì thiếu dân chủ nên dẫn đến sự việc vừa rồi", ông Ngọc nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiến, Chủ tịch UBND xã cho biết, việc bán đấu giá đã được thông báo chi tiết với người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Cụ thể, sau khi người dân có đề xuất, UBND xã Hà Mãn đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị hạ giải cây sưa để lấy mặt bằng thực hiện dự án tu bổ tôn tạo di tích đình làng Đông Cốc.
Sau đó, các cơ quan chức năng đã có công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc thống nhất hạ giải cây sưa.
Cây sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc |
.Ngày 19/1/2016, UBND tỉnh đã có công văn số 157/UBND-NN đồng ý cho địa phương hạ giải cây sưa nói trên.
Ngày 11/4/2016, UBND huyện Thuận Thành ra công văn số 256/CV-UBND đồng ý cho UBND xã Hà Mãn, thôn Đông Cốc tổ chức hạ giải cây sưa.
Ngày 29/4/2016, UBND xã Hà Mãn đã phối hợp với cấp ủy, ban quản lý thôn và các đoàn thể thôn Đông Cốc khảo sát, đánh giá hiện trạng, kích thước cây sưa.
Thôn đã họp, có sự tham gia của cấp ủy chi bộ, ban quản lý thôn, các chi hội, đoàn thể, đại diện các dòng họ và đi đến thống nhất giao UBND xã Hà Mãn làm chủ sở hữu cây sưa để thực hiện hạ giải theo đúng quy định.
Được các cấp có thẩm quyền chấp thuận, xã Hà Mãn đã tiến hành các bước thực hiện việc đấu giá cây sưa theo đúng quy định của pháp luật. Ngày 1/8/2016, cây sưa 200 tuổi được bán đấu giá thành công với giá là 24,5 tỷ đồng.
Đến ngày 8/8/2016 thì tổ xã họp tại nhà văn hóa thôn Đông Cốc về vấn đề này.
Nhưng ngay khi trưởng thôn Đông Cốc thông báo biên bản bán đấu giá cây sưa với giá 24,5 tỷ đồng, các cụ cao tuổi trong làng cũng nêu ý kiến không đồng ý việc bán cây sưa.
Sau đó, việc hạ giải, đấu giá cây sưa bị tạm hoãn, đến ngày 7/12 thì thôn tổ chức lại hội nghị tiếp dân nhằm triển khai phương án khai thác cây sưa với sự tham dự của ông Nguyễn Văn Hiến (Chủ tịch UBND xã Hà Mãn).
Kể lại diễn biến vụ ẩu đả, ông Nguyễn Văn Hội, người dân thôn Đông Cốc cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ việc xã chọn thư ký cuộc họp là cán bộ xã chứ không phải người dân.
"Cuộc họp này của thôn Đông Cốc, tuy nhiên, thư ký cuộc họp lại là cán bộ xã nên người dân không nhất trí.
Khi đó, anh Nguyễn Văn Đoàn, một người dân trong thôn Đông Cốc đứng lên phát biểu xin bầu một người dân trong làng làm thư ký thay cho cán bộ xã.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Văn Tiên cũng là người trong thôn bất ngờ vụt anh Đoàn khiến anh bê bết máu ở mặt. Sự việc xảy ra trước sự có mặt của lãnh đạo xã Hà Mãn khiến người dân bức xúc", ông Hội thuật lại.
Ông Hội cho biết thêm, sau vụ ẩu đả này, cuộc họp đã bị trì hoãn do người dân quá bức xúc, bỏ ra về.
Lãnh đạo UBND xã Hà Mãn khi trao đổi với chúng tôi đã xác nhận sự việc trên và cho biết, hiện công an huyện đang điều tra, làm rõ và sẽ xử lý nghiêm các đối tượng gây rối tại cuộc họp.
Trước đó, ngay sau khi xảy ra vụ ẩu đả khiến 1 người bị thương, ngày 7/12, 31 người dân thôn Đông Cốc do ông Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Văn Dương, Nguyễn Văn Khuyến là đại diện đã lên trụ sở tiếp công dân tỉnh Bắc Ninh kiến nghị xung quanh việc hạ giải cây gỗ sưa trên. Ngày 8/12, UBND tỉnh Bắc Ninh có công văn số 3675/UBND-NC, trong đó, nêu ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo: "Giao UBND huyện Thuận Thành xem xét giải quyết trả lời công dân và báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh trước ngày 15/1/2017". Ngày 8/12, Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành, ông Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, UBND huyện Thuận Thành đã quyết định tạm dừng khai thác cây gỗ sưa tại đình làng Đông Cốc, xã Hà Mãn nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo công an huyện điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, ẩu đả, gây rối tại hội nghị họp dân thôn Đông Cốc sáng 7/12/2016. Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Thuận Thành, tuy có người ký hợp đồng với thôn mua cây sưa 200 tuổi với giá 49 tỷ đồng nhưng sau vài năm đến nay chưa hề nộp tiền. |
Theo Hoàng Đan (Soha.vn/Trí thức trẻ)