Xô xát với bạn gái, người đàn ông bị gán tội bắt cóc
Ngày 9.6.2017, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông bị người dân vây giữ tại đường Lạch Tray (quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng) và “cáo buộc” người này vừa ép xe một phụ nữ để bắt cóc cháu bé đi cùng. Một số người quá khích còn đánh nam thanh niên.
Lãnh đạo UBND phường Lạch Tray (quận Ngô Quyền) sau đó cho biết, nam thanh niên bị cho là bắt cóc và cô gái trong đoạn clip có quen biết nhau. Do mâu thuẫn xích mích tình cảm nên cô gái và nam thanh niên đánh nhau. Thấy mẹ đang đánh, cãi nhau nên cháu bé khóc chứ không phải bắt cóc.
Đi xin việc bị đánh oan vì dân tưởng bắt cóc trẻ em
Ngày 7.7.2017, trên mạng xã hội xôn xao đoạn clip ghi lại cảnh lực lượng công an giải cứu hai thanh niên bị dân vây đánh vì nghi bắt cóc trẻ em tại huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
Qua điều tra, Công an huyện Yên Phong làm rõ, hai thanh niên đến nộp hồ sơ việc làm tại gia đình bé gái 7 tuổi. Khi 2 thanh niên nhờ cháu bé đưa đến chỗ người bố để nộp hồ sơ thì người dân hiểu nhầm bắt cóc trẻ em nên đánh 2 thanh niên.
Công an giải cứu người phụ nữ bị dân vu oan bắt cóc bé 2 tuổi
Ngày 29.7.2017, do có quen biết từ trước nên bà Đào Thị Danh (SN 1969, ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tới gia đình ông Thân Văn Kính (ở xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) lấy nợ.
Tới nơi bà Danh không thấy ai ở nhà nên bế cháu Ngữ (2 tuổi, cháu ngoại ông Kính) sang chơi ở nhà hàng xóm cách nhà ông Kính 300 mét. Khi chị Giá (mẹ cháu Ngữ) về không thấy con và nghe em trai nói trước đó có một phụ nữ chở cháu Ngữ đi nên chị Giá đã hô hoán con bị bắt cóc.
Tìm thấy cháu Ngữ, người dân cho rằng bà Danh bắt cóc cháu Ngữ nên đã xông vào đánh bà Danh, không cho công an xã đưa bà Danh về trụ sở.
Công an huyện Can Lộc sau đó huy động lực lượng tới bảo vệ, giải cứu bà Danh. Qua điều tra, Công an huyện Can Lộc kết luận bà Danh không bắt cóc hay chiếm đoạt trẻ em.
Hai phụ nữ bán tăm bị đánh bầm dập vì nghi bắt cóc trẻ con
Trưa 22.7.2017, chị Lê Thị Bảy (SN 1977, ở huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Phúc (SN 1965, ở huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) đi bán tăm gây quỹ từ thiện tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Khi chào bán tăm, chị Bảy có gọi một cháu bé chơi ở sân để hỏi xem bố mẹ có nhà không. Thấy người lạ hỏi chuyện cháu bé, hàng xóm đã vu cho 2 người phụ nữ là bắt cóc trẻ con nên người dân đã đánh chị Bảy và bà Phúc bầm dập cơ thể.
Vào cuộc điều tra, Công an Sóc Sơn kết luận, chị Bảy và bà Phúc không bắt cóc trẻ em.
Dân đốt xe sang vì nghi thôi miên, bắt cóc trẻ em
Chiều 20.7, anh Trịnh Mạnh Hải (một doanh nhân) cùng lái xe Lê Văn Nam đi xe ô tô về nhà vợ ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương chơi.
Khi đi qua địa bàn xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà) anh Hải xuống xe vào một cửa hàng bán đồ gỗ của chị Quyên (người địa phương) xem hàng. Tuy nhiên, trong khi đang trao đổi với anh Hải, chị Quyên thấy chóng mặt, mệt mỏi. Nghĩ mình bị thôi miên như một số thông tin đã đọc trên mạng xã hội nên chị Quyên liền chạy sang hàng xóm tri hô mọi người đến cứu.
Thấy chị Quyên cầu cứu, nhiều người đã kéo đến đòi đánh anh Hải và anh Nam. Một số đối tượng quá khích đã kích động một số người lật xe ô tô của anh Hải xuống ruộng, đốt cháy vì cho rằng những người đi ô tô thôi miên, bắt cóc trẻ em.
Vào cuộc điều tra, Công an Hải Dương xác định anh Hải và anh Nam không có hành vi thôi miên hay bắt cóc trẻ em.
Tướng Hồ Sỹ Tiến nói gì về thông tin bắt cóc trẻ em?
Trao đổi với PV về tình trạng xuất hiện nhiều thông tin bắt cóc trẻ, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến – Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45, Bộ Công an) cho biết, phần lớn các thông tin bắt cóc trẻ em trên mạng là không chính xác. Đa số các trường hợp các cháu mất tích là do đi lạc, tự bỏ nhà ra đi, người trong gia đình hay bố mẹ ly hôn xảy ra mâu thuẫn rồi tìm cách đưa các cháu bé đi, hoặc có cháu gặp nạn tử vong không tìm thấy…
Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự cũng cho biết, hành vi đánh đập người phụ nữ bán tăm ở Sóc Sơn hay đốt xe ô tô ở Hải Dương vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em đều là hành vi trái pháp luật.
“Người dân có quyền trình báo, bắt giữ người tình nghi bắt cóc trẻ em giao cho công an nhưng không được tự ý sử dụng vũ lực đánh người khác. Người bị tình nghi nếu phạm tội đã có pháp luật xử lý”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nói.
Theo Xuân Lực (Dân Việt)