Những đứa trẻ lớn lên trong nhà bạc tỷ, không biết mặt mẹ cha
Làng xuất khẩu Xuân Liên những năm gần đây "phất" lên trông thấy sau khi làn sóng xuất khẩu lao động sang nước ngoài rầm rộ. Nhà cửa đồ sộ mọc san sát, xe ô tô, xe máy đắt tiền ngày một nhiều. Nhiều người nhìn vào đó để ao ước, phấn đấu để đạt được.
Nhưng như lời ông Hoàng Văn Cát, Bí thư đảng ủy xã Xuân Liên chia sẻ, sự giàu lên trông thấy của việc đi xuất khẩu lao động cũng nảy sinh ra những chuyện khiến không ít người xót xa.
Nhiều cặp vợ chồng dắt nhau đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Con cái sinh ra được vài tháng, cứng cáp là để lại cho ông bà nuôi rồi lên đường xa xứ làm ăn.
Bế người cháu nhỏ trong tay, bà Đồng (thôn Cam Lâm, xã Xuân Liên) chia sẻ với chúng tôi rằng, khu vực bà đang sống giờ chỉ còn các người già lớn tuổi và trẻ nhỏ ở nhà. Các lao động chính, thanh niên đều đã ra nước ngoài. Bà là một trong số rất nhiều ông bà ở nhà trông cháu cho các cho đi làm ăn xa.
"Có gia đình bố mẹ đi làm ăn từ khi con con chưa được một tuổi, đi mấy năm mới về. Hàng tháng bố mẹ đều gửi tiền về cho ông bà chăm sóc", bà Đồng chia sẻ.
Tiếp câu chuyện, ông Cát cho hay, ở xã này nhiều người đi xuất khẩu đều đã lập gia đình và đã có con. Họ để lại cho ông bà, nhiều năm mới về, vì vậy trẻ lớn lên trong vòng tay ông bà mà thiếu đi tình thương cha mẹ.
"Số gia đình để con em ở nhà rồi sang nước ngoài làm việc rất nhiều, đặc biệt là các cháu nhỏ. Hàng tháng họ gửi tiền về cho ông bà chăm sóc con. Có trường hợp, ngày rời Việt Nam, mẹ khóc hết nước mắt vì thương con còn quá nhỏ, nhưng rồi cũng đành phải chấp nhận xa con, tha phương vì cuộc sống mưu sinh.
Để bù đắp cho các con, những ông bố, bà mẹ xa quê thường mua sắm rất nhiều thứ cho con mình như sữa ngoại, đồ chơi ngoại.
Các em được chăm lo đầy đủ về vật chất, duy chỉ có một điều là thiếu đi vòng tay chăm sóc trực tiếp từ người bố, người mẹ của mình. Ở đây, mỗi lúc các trường mầm non, tiểu học tan lớp, các cháu nhỏ đều được các bà các ông đón về, ít cháu có bố mẹ đến đón", ông Cát chia sẻ. Có những cháu nhỏ lớn lên trong ngôi nhà khang trang nhưng lại chẳng nhớ nỗi mặt mẹ cha.
Cũng có không ít những căn nhà hàng trăm triệu, thậm chí là tiền tỷ nhưng quanh năm hiu quạnh, không ai ở. Bởi chủ nhà còn đang tận trời tây, họ kiếm được tiền rồi về nước xây nhà xong lại quay lại.
Ít ai biết rằng, trong hàng ngàn người đi nước ngoài lao động, vẫn có nhiều trường hợp thiếu may mắn, gánh trên mình những món nợ khổng lồ.
Ở Xuân Liên nói riêng, ở Nghi Xuân nói chung nhiều gia đình nghèo khó cũng liều mình vay nợ ngân hàng số tiền hàng trăm triệu đồng.
Nhưng có trường hợp, hàng trăm triệu đồng ấy, rơi vào tay những đối tượng được gọi là "cò" là "môi giới", giấc mơ làm giàu đã tắt khi con em họ chưa đặt chân tới nơi mong muốn được đến.
Và rồi, vốn đã nghèo, nay gánh thêm khoản nợ khổng lồ, cuộc sống của các gia đình ấy lại thêm phần cơ cực. May mắn hơn những người bị môi giới lừa, một số người đi xuất khẩu sang được bên đó.
Nhưng công việc không thuận lợi, họ đành trốn ra ngoài, nhưng chưa kịp làm gì đã bị cảnh sát bắt giữ. Để có thể về nước, gia đình họ phải chuyển số tiền hàng trăm triệu sang nộp phạt.
"Có những trường hợp, sang làm việc được một thời gian, con em gặp nạn, mất sức lao động phải trở về nước khi nợ chưa trả xong. Buồn hơn, có những trường hợp gặp nạn, phải bỏ mạng nơi xứ người.
Đi nước ngoài cũng là một canh bạc, cần sự may mắn chứ không phải cứ sang là làm giàu được.
Người nào vận đen thì gia đình đó rơi vào bước đường cùng luôn. Ở huyện này, có rất nhiều người rơi nước mắt vì những chuyện này, con mất nơi xứ người, nhà nghèo nay số nợ hàng trăm triệu đồng không thể trả nổi, cũng tội lắm", ông Cát chia sẻ.
Đằng sau những con số "biết nói" về hiệu quả kinh tế mà nhiều người bỏ lại con cái ra đi để mong đổi đời, nhiều gia đình đã không thể sum vầy với nhau.
Làm ngày, làm đêm, phía sau tờ đô gửi về là nước mắt
"Đài Loan là giấc mơ có thật" của Hoàn (29 tuổi, trú tại Nghi Xuân), giấc mơ ấy của nam thanh niên là đặt chân sang miền đất này để làm việc, kiếm tiền giúp gia đình bớt khó khăn.
Cũng như những người bạn cùng trang lứa, học hết cấp 3, Hoàn được cha mẹ vay mượn số tiền gần 200 triệu đồng để sang Đài Loan làm việc.
Ngày Hoàn rời xa quê hương để theo đuổi giấc mơ, nhiều hàng xóm đến nhà chúc mừng, thì thầm với nhau rằng gia đình anh sắp "phất" lên rồi. Trong tâm thức, nam thanh niên này chỉ nghĩ rằng sẽ cố gắng làm việc để kiếm thật nhiều tiền.
Nhưng, bao háo hức, chờ đợi của Hoàn về một công việc như mơ dần tiêu tan khi anh vừa đặt chân đến nơi xứ người.
Công việc trong công ty giới thiệu cho anh sang làm ăn bấp bênh, không có việc cố định nên lương tháng của anh trừ chi phí ăn uống, tiêu cả nhân… chẳng đáng là bao.
Nỗi lo dần hiện hữu, áp lực tiền nợ ngân hàng ở quê nhà khiến Hoàn bắt đầu nghĩ đến làm việc khác kiếm tiền.
"Nếu chỉ chờ vào lương công ty thì không có tiền gửi về nhà, thất nghiệp lương cũng chỉ bằng công ty trong nước. Tôi và nhiều người cùng cảnh ngộ phải liều mình ra ngoài làm thêm để có thêm tiền.
Ra ngoài công việc gì cũng phải làm, không từ một cái nào cả, làm ngày làm đêm, tiền công thì ít nhưng cũng phải nhắm mắt cho qua.
Tôi vỡ mộng sau mấy tháng sang bên này, không như tôi từng nghĩ, nó còn khổ hơn ở nhà, nhiều lúc tủi thân chỉ biết khóc", Hoàn nói.
Quyên (26 tuổi) cô gái có 4 năm làm việc tại Đài Loan, chia sẻ, cô và bạn bè vẫn thường nói đùa với nhau rằng: "Nắng xứ Đài chôn vùi tuổi trẻ".
4 năm làm việc ở xứ người, Quyên không nhớ mình đã làm bao nhiêu việc, bao lần gục dưới cánh đồng, ốm năng mà không được nghỉ.
Cô gái nói, sang nơi này hay nước nào cũng vậy, mỗi người may mắn mới có được công việc tạm ổn, còn lại đều phải tự thân vận động.
Cũng như hàng ngàn người khác, một thời gian sau khi sang đây Quyên phải ra ngoài làm thêm vì làm chính không ăn thua.
"Sang đây không làm thêm là không có tiền, nói thật là khổ đủ đường, cơm ăn không được vì không hợp, bị họ đối xử không ra gì, công việc nặng nhọc, làm nhiều giờ không được nghỉ.
Đêm làm đến sáng về phòng chợp mắt được vài tiếng lại ra đồng nhổ cỏ thuê, dọn nhà thuê, đi trồng khoai tây, trồng khoai môn… Ít ai biết được cuộc sống chúng tôi như vậy, không ai có thể quên được", Quyên kể.
Đã làm việc ở Hàn Quốc một thời gian dài, Hải (23 tuổi, tên đã thay đổi, trú tại huyện Nghi Xuân) mong muốn trở về thăm quê nhà nhưng vẫn chưa thể về được. Phần vì công việc nhiều, phần tiền đi lại rất tốn kém.
Những ngày đầu đến với xứ sở kim chi, không phải niêm vui sướng, hân hoan mà là sự nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Ngoài những giờ làm việc quần quật trên công trường, Hải trở về căn phòng nhỏ, sống một mình không có người quen biết.
Cuối năm, những ngày cận Tết, là lúc mà Hải và những người con xa quê buồn tủi nhất. "Tết bên này cũng có tổ chức, gọi một vài người cùng quê, không thì cùng nước đến ngồi nói chuyện với nhau cho đỡ buồn.
Nhưng rồi khi ai về nhà nấy, một mình, nhớ gia đình lắm, cứ nằm nghĩ bố mẹ các em làm gì ở nhà, đón Tết ra sao.
Mấy năm nơi xứ người cứ đến Tết là thế, gia đình người ta sum vầy có bố mẹ, mình lại một mình nơi đây.
Muốn gặp mẹ thì cũng chỉ biết gọi qua điện thoai, mà có phải lúc nào cũng gọi được đâu, thời gian làm việc hết rồi. Ai biết được phía sau đồng tiền chúng tôi gửi về quê phải trả giá nhường nào.
Có những lúc chỉ muốn cầm điện thoại gọi video về gặp bố mẹ nói chuyện mấy câu. Nhưng chỉ vừa kịp nhìn mặt mẹ đã khóc, mẹ khôn khóc thì con khóc rồi lại cúp máy đắp chăn khóc một mình.
Nhủ lòng mình với mẹ rằng con muốn về nhà, con sẽ về một ngày gần nhất…", Hải nghẹn ngào.
Những cuộc chạy trốn trong nỗi sợ hãi cùng cực
Quyên kể với chúng tôi, lao động ở Đài Loan việc chạy trốn cảnh sát nước này là chuyện cơm bữa.
Ở nước này, người lao động chui khá nhiều, những người này nằm trong diện truy bắt của cảnh sát. Hàng tháng cảnh sát tổ chức nhiều đợt truy bắt, họ phải sống chui lủi, ẩn mình để mong thoát nạn.
Dù làm việc hợp pháp trong công ty, nhưng những giờ làm thêm Quyên với bạn bè cũng phải trốn chạy cảnh sát, bởi bị bắt lại cô sẽ bị phạt số tiền rất lớn và bị trục xuất về nước.
Bản thân cô cũng không nhớ nổi bao lần phải chạy thục mạng vì bị cảnh sát đuổi. Những lúc như thế, ngoài sợ hãi và nước mắt cô chẳng biết phải làm gì.
"Bao lần tôi đang ngồi rửa bát phải thả đống bát rơi vãi giữa nền nhà, bỏ cả chiếc chảo chiên cơm hốt hoảng chạy đi trốn.
Lúc ấy, chẳng nghĩ được gì ngoài việc chạy thật nhanh, phải thoát được công an. Gặp nơi nào trốn nơi đó, gầm giường, đống phế liệu, nhà vệ sinh…
Tôi vẫn nhớ mấy lần thấy còi xe công an vôi chạy vôi vào nhà vệ sinh chốt cửa trốn, ngồi khóc một mình. Chỉ đến khi bà chủ nhà vào gõ cửa báo công an đi mới dám ra làm lại.
Lao động chui thì không nói, chúng tôi làm hợp pháp nhưng lương không đủ sống phải ra ngoài làm thêm cũng chịu bao nhiêu nguy hiểm.
Có người chạy trốn bị công an bắt hoặc gặp nạn, bị tàn tật thậm chí là mất mạng. Xứ người nguy hiểm, chua xót vậy đó. Có những người bạn hôm nay còn đi làm, còn vui vẻ vói mình nhưng ngày mai thôi đã bị cảnh sát bắt lại", cô nói.
Những phận người vĩnh viễn nằm lại nơi xứ lạ
Đã mấy tháng trôi qua, Vinh (20 tuổi, trú huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và gia đình vẫn chưa thể hết đau buồn khi người anh trai mất bên Đài Loan.
Xóm nghèo nơi gia đình Vinh sống có nhiều người theo con đường xuất khẩu, bởi đó là con đường thoát nghèo nhanh nhất.
Gia đình Vinh cũng vay mượn cho em và người anh trai đi Đài Loan lao động. Ngày xa gia đình, hai anh em Vinh nhắn nhủ nhau sang xứ người phải thật chăm chỉ làm việc, kiếm tiền đề phụ giúp bố mẹ nuôi em ăn học, giúp gia đình bớt khổ.
Thời gian trôi qua, cả hai anh em Vinh đều chăm chỉ làm việc, chắt chiu từng đồng để gửi về gia đình. Nhưng rồi nỗi đau ập đến với gia đình Vinh, anh trai cậu trong một đêm đi làm việc về bị bệnh đột ngột, vĩnh viễn ra đi.
Nhận tin anh gặp nạn, Vinh vội vàng bắt tàu lên với anh, nghe tin những người Việt Nam bên đó cũng chạy đến.
"Khi đến anh đã mất, thi thể được để trong nhà xác, tin anh mất gia đình nghe được đều rất sốc và đau đớn.
Một mình em ở lại đó với anh, tròn một tháng trong nhà xác lạnh lẽo thi thể anh em mới được đưa về quê nhà để an nghỉ. Cuối cùng em cũng đưa được anh về với mẹ.
Một tháng trời đó em không bao giờ quên, anh mới hôm trước còn nói chuyện, động viên nhau vậy mà ra đi đột ngột quá.
Cũng là từng đó thời gian, bố mẹ em ở nhà không đêm nào chợp mắt, khóc cạn nước mắt chờ em đưa anh về.
Em không bao giờ quên được nỗi đau này, cũng vì hoàn cảnh chứ đâu ai muốn sang đó đâu anh, ai chả muốn bên gia đình, bên bố mẹ", Vinh nói.
Ít ai ỗi đau Vinh trải qua nhiều người cũng đã từng trải qua, giấc mơ thoát nghèo chưa thực hiện đã vội tắt. Hằng năm, có đến hàng trăm lao động Việt Nam tử vong khi đi làm việc ở nước ngoài.
Nhưng như lời vị Bí thư đảng ủy xã Xuân Liên từng nói, không đi xuất khẩu không biết lấy gì mà ăn.
Xuất khẩu lao động sẽ còn tiếp diễn và những rủi ro dù đã nhìn thấy trước mắt nhưng nhiều người vẫn sẽ chấp nhận đánh đổi để mong có cuộc sống tốt hơn.
Theo Ngọc Thắng (Nhịp Sống Việt)