Bánh đúc mà vẫn có xương
"Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng", câu ca dao ấy đã từ rất lâu in sâu trong tiềm thức mỗi người bởi sự hà khắc, tàn nhẫn của người mẹ ghẻ, chẳng bao giờ yêu thương con riêng của chồng. Thế nhưng, ở đâu đó trong cuộc đời này, vẫn còn những câu chuyện cổ tích về "mẹ ghẻ con chồng" mà mỗi khi nhắc đến, ai cũng phải xúc động.
Câu chuyện về "người mẹ điên" ú ớ chăm sóc con gái sơ sinh ở Trà Vinh đã gây xúc động lớn bởi tình cảm thiêng liêng mà người mẹ dành cho thiên thần bé bỏng của mình. Dẫu mẹ không tỉnh táo, tay chân không lành lặn như bao người nhưng tình yêu thương của mẹ dành cho con không hề thua kém bất cứ một ai.
Thế nhưng, khi tìm đến nhà của chị Thạch Thị Mai (dân tộc Khơ-me, ngụ xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, chúng tôi lại bị thu hút vào câu chuyện của một người phụ nữ lớn tuổi, khuôn mặt đầy nếp nhăn với một nụ cười phúc hậu. Đó là bà Thạch Thị Phơi (60 tuổi, mẹ kế của chị Mai), đã chăm sóc chị suốt 18 năm nay.
Ngồi một góc lặng lẽ trên chiếc giường ọp ẹp cùng với người con gái tật nguyền, bà Phơi đều đặn quạt cho đứa cháu ngoại sơ sinh được ngon giấc. Trong dáng hình bà Phơi, khuôn mặt hiện rõ nỗi khắc khổ với đầy những nếp nhăn, đôi bàn tay nổi gân xanh gầy guộc. Bà Phơi cho biết mấy tháng nay, dù bà vất vả hơn khi vừa chăm con, vừa chăm cháu nhưng bà rất vui vì gia đình đón thêm đứa cháu ngoại "bất đắc dĩ" của mình.
Bà tâm sự: "Lúc phát hiện con Mai có con, tôi như chết đứng vì không biết làm sao. Khi ấy đi siêu âm đã 5 tháng tuổi, con bé lại tật nguyền, có đi đứng gì được đâu mà người ta lại nỡ lòng nào xâm hại nó. Tôi chỉ biết ôm con bé vào lòng mà khóc".
Theo bà Phơi, vì cảm mến hoàn cảnh của ông Kim Na Ry (65 tuổi), vợ mất sớm, một mình phải nuôi con gái tật nguyền nên bà quyết định dọn về sống chung để lo lắng, chăm sóc cho hai cha con ông Ry. Bất chấp lời khuyên can của gia đình, hàng xóm khi gia đình ông Ry quá nghèo, sợ phần cực khổ tiếp tục bám lấy bà Phơi nhưng bà vẫn quyết tâm làm "vợ hờ" của ông Ry, làm "dì ghẻ" của chị Mai.
Bà Phơi xúc động nói: "Nhiều người nói tôi không bình thường khi dám liều lĩnh đi vào "vũng lầy" của cuộc đời nhưng thấy con Mai tật nguyền, không nói chuyện, đi đứng được, mẹ lại mất, sống lay lắt bên cạnh ông ấy, tôi thương lắm. Có lẽ cái duyên, cái nợ đã giúp tôi quyết định dọn về ở chung với ổng, rồi tôi cũng có con, Mai là con của tôi đó thôi".
Kể từ ngày dọn về sống chung với ông Ry, cuộc sống của bà Phơi thêm phần vất vả khi cái nghèo đói, bệnh tật cứ bám víu lấy cuộc sống của gia đình bà. Vì không có đất, có vườn, hai vợ chồng ông bà phải đi làm thuê, ai kêu gì làm nấy để chạy lo cơm ngày ba bữa.
"Nhiều lúc cũng buồn tủi, nhưng thấy chồng con như vậy, tôi nào dám than trách chi ai. Chỉ biết cố gắng để lo cho con Mai, nó đã mất mẹ, lại khuyết tật thì tôi phải yêu thương nhiều hơn thế", bà Phơi tâm sự.
Dẫu cuộc sống còn lắm bộn bề khó khăn, nhưng hơn 18 năm trời, bà Phơi trải qua những chuỗi ngày hạnh phúc nhất của cuộc đời mình khi được làm vợ, làm mẹ. Dù chị Mai không phải con ruột nhưng tình thương bà dành cho chị chẳng khác nào máu mủ, ruột rà.
Nhìn "con gái điên" chăm con, người mẹ già thêm phần đau đớn
Cũng vì cuộc sống quá nghèo khó, hai vợ chồng bà Phơi phải đi làm mướn cho người ta suốt cả ngày nên để chị Mai ở nhà một mình. Đến cuối tháng 5-2017, trong lúc tắm rửa cho chị Mai, bà Phơi mới phát hiện chị có sữa non, bụng cũng to dần liền đưa ra trạm y tế xã khám và biết được đứa con gái khờ đã có thai hơn 5 tháng.
Nuốt nước mắt vào trong, hai vợ chồng bà Phơi bỏ qua những lời dị nghị của xóm làng về đứa con gái điên có chửa, ông bà tiếp tục làm lụng để lo cho hai mẹ con chị Mai. Đến giữa tháng 8-2017, chị Mai đã hạ sinh một bé gái kháu khỉnh dẫu không biết mặt bố đứa bé là ai.
"Nghe đứa trẻ khóc, con Mai ú ớ gọi tôi lại để giúp nó ẵm con lên mà cho bú. Nhìn ánh mắt trìu mến nhìn con, rồi nựng con của nó mà lòng tôi đau lắm. Ngày nào nó cũng đòi tôi ẵm cháu lên cho nhìn. Suốt ngày nó quấn quýt bên con, hết ú ớ cười đùa rồi lặng lẽ nhìn con ngủ. Ước gì nó như bao người mẹ khác, có thể ẵm con mình vào lòng", bà Phơi bật khóc.
Dù không thể trực tiếp chăm sóc cho con gái nhưng hễ thấy con khóc, chị Mai hiểu được đứa bé đang cần mẹ liền cúi người xuống cạnh con, rồi múa tay múa chân để bộc lộ cảm xúc. Mỗi lần như thế, vợ chồng bà Phơi lại không giấu được nỗi xúc động.
Ông Kim Na Ry (bố chị Mai) tâm sự: "Nó vậy nhưng biết hết đó, thương con dữ lắm. Lâu lâu lại cúi xuống hôn con, tôi vừa mừng, vừa tủi. Tội nghiệp cho đứa bé, sinh ra đã không có bố, mẹ lại bị bệnh như vậy. Hai vợ chồng tôi thì đã già, cũng may có bà ấy ở đây, chứ không tôi không biết làm cách nào để lo lắng cho hai mẹ con nó".
Chia sẻ về người vợ hờ của mình suốt 18 năm trời, ông Ry chỉ nói: "Tôi thương bà ấy lắm, không biết làm sao để đền đáp ơn nghĩa mà bà ấy đối đãi với hai bố con tôi". Nghe vậy, bà Phơi tỏ vẻ ngượng ngùng: "Tôi chỉ mong ông và hai mẹ con Mai luôn khỏe mạnh, với tôi là đủ rồi. Phải duyên lắm mới nên vợ chồng", bà Phơi bẽn lẽn nói.
Cũng theo vợ chồng bà Phơi, sau khi chị Mai sinh con, nhiều người cảm mến hoàn cảnh gia đình ông bà nên đã tìm đến giúp đỡ, cuộc sống hiện tại của gia đình ông bà đã đỡ phần cơ cực, hai mẹ con chị Mai cũng có đủ quần áo, bỉm tã mỗi ngày.
Bà Phơi nói: "Tôi vui lắm, chỉ biết cảm ơn mọi người đã quan tâm đến hai mẹ con Mai. Hai vợ chồng tôi sẽ cố gắng hết sức để chăm sóc cho con, cho cháu được đầy đủ. Giờ tôi chỉ mong nếu có thể Mai được hồi phục, có thể tận tay ẵm con mình, kêu tôi một tiếng mẹ".
Theo Văn Tiên (Trí Thức Trẻ)