Khoảng 19h cùng ngày, lực lượng y tế của Bộ đội Biên phòng nhận được thông báo người phụ nữ khoảng 60 tuổi có hiện tượng khó thở. Ngay sau đó, cán bộ y tế đã có mặt để thăm khám ban đầu và chuyển đến bệnh viện.
Thiếu tá Phạm Văn Trung, trợ lý quân y, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân cho biết, bệnh nhân này nghi do bị viêm phế quản dạng hen, đã được hỗ trợ điều trị 3 lần trong ngày.
“Đây là lần thứ 3 trong ngày chúng tôi điều trị cho bệnh nhân này. Chúng tôi đã khí dung bằng thuốc giãn phế quản, sau mỗi đợt khí dung thì bệnh nhân cắt cơn, dễ thở, ăn uống được.
Nhưng đến lần thứ 3, do lo lắng về khuya, bão gió lớn, sợ khả năng đáp ứng không được nên chúng tôi đưa bà đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam cấp cứu, điều trị, nhằm để xử lý và đảm bảo an toàn tính mạng cho bà cụ”, Thiếu tá Trung nói.
Theo Thiếu tá Trung, từ chiều đến bây giờ, các cán bộ đã xử lý gần 20 trường hợp, trong đó có ho, tăng huyết áp, sốt cao, đau bụng.
Bình Định: Rời nhà đi sơ tán vẫn lo nhà mình có bị bão phá?
Tại Trường tiểu học số 2 Tam Quang Bắc (phường Tam Quang Bắc, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), có hơn 30 người dân được về trú báo từ trưa. Người dân mang đồ đạc, chăn màn rồi trải chiếu nằm xếp lớp trên nền nhà. Nhiều trẻ nhỏ ôm chặt mẹ cuộn tròn ngủ trong chăn trong khi nhiều người khác ngồi ngóng bão. Chính quyền hỗ trợ mì tôm và nước, sữa để dân lót dạ đêm khuya.
Bên ngoài, mưa càng thêm nặng hạt, gió rít từng đợt kéo dài. Trên các tuyến đường vắng lặng người.
Vợ chồng ông Huỳnh Minh Thư, 72 tuổi, dù đi sơ tán nhưng cứ thấp thỏm khi thấy trời mưa mỗi lúc một lớn. Vợ chồng già lo cho căn nhà cấp bốn ở gần biển, không biết có bị gió đánh giật sập khi bão vào.
Ông Thư nói, căn nhà được dựng lên nhiều năm, trải qua bao lần bão. “Mình già rồi, nhà cửa mà giờ đổ xuống thì lấy đâu dựng lại. Con cái cũng có cuộc sống riêng, tránh phiền các con”, ông Thư nói và cho biết đã chằng chống kỹ nhà cửa nhưng vợ chồng giờ ở đây tránh bão cho an toàn, song vẫn lo.
Nhóm PV (VietNamNet)