Đang lái xe đưa đón học sinh, nam tài xế bị nhồi máu cơ tim bất tỉnh

05/11/2020 09:17:59

Đang trên đường lái xe đưa đón học sinh đến trường, nam tài xế 46 tuổi bất ngờ lên cơn nhồi máu cơ tim tối cấp, gần như bất tỉnh tại chỗ.

Bệnh viện E Trung ương ngày 4-11 cho biết các bác sĩ bệnh viện này vừa cứu sống nam tài xế của một trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội bị lên cơn nhồi máu cơ tim tối cấp cứu. 

Sự việc xảy ra ngày 3-11, khi nam tài xế 46 tuổi đang lái xe trên đường chở học sinh tới trường thì bỗng lên cơn đau thắt ngực trái gần như bất tỉnh. Trên xe lúc này có rất đông học sinh tiểu học và cô phụ trách. Rất may tài xế kịp đánh xe vào vệ đường và nhờ cô phụ trách gọi xe cấp cứu.

Ngay lập tức, người phụ trách này gọi xe đưa nam tài xế vào trạm y tế gần đó. Bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc với chẩn đoán nhồi máu cơ tim tối cấp cứu và xử trí cấp cứu ban đầu. Thời điểm này, mạch của bệnh nhân chỉ còn đập 30 chu kỳ/phút (ở người bình thường là 70 - 80 chu kỳ/phút), huyết áp tâm thu giảm mạnh, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong cao. Ngay lập tức, bác sĩ trực cấp cứu đã gọi "cứu viện" cho các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E Trung ương.

Tiếp nhận thông tin, bác sĩ Phan Thảo Nguyên, Trưởng Khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E đã đưa ra hướng can thiệp sớm cho bệnh nhân. Nhờ sự phối hợp giữa hai viện, từ khi khởi phát bệnh đến khi bệnh nhân được can thiệp thành công chỉ trong vòng 30 phút. Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã can thiệp đặt stent mạch vành tối cấp cứu chỉ tính bằng phút. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, liên thất phải tắc hoàn toàn, liên thất trái hẹp 80%.

Đang lái xe đưa đón học sinh, nam tài xế bị nhồi máu cơ tim bất tỉnh
Nam tài xế bị nhồi máu cơ tim tối cấp trong lúc đang lái xe được cứu sống - Ảnh: báo Người Lao Động

Sau can thiệp 3 giờ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo. Chia sẻ lại cảm giác kinh hoàng, nam tài xế cho hay: Khi đang lái xe, anh cảm thấy cơn đau khủng khiếp ở vùng ngực trái như bị ai đó co kéo, bóp chặt quả tim. Cơn đau xuất hiện ở giữa ngực, lan lên cổ, vai, hàm, lan dọc theo cánh tay (đặc biệt là tay trái), mồ hôi vã ra, cơ thể yếu mệt không có sức lực, ngạt thở, thiếu ôxy trầm trọng... "Nếu tôi cố gắng lái xe đi tiếp thì có thể gây nguy hiểm cho các em học sinh và gây tai nạn cho người đi đường. Vì thế, tôi đã chủ động lái xe vào vệ đường và nhờ cô phụ trách gọi cấp cứu" - nam tài xế kể lại.

Theo bác sĩ Phan Thảo Nguyên, việc quan trọng nhất khi thấy một người bị nhồi máu cơ tim là gọi xe cấp cứu kịp thời và tiến hành các bước xử lý nhồi máu cơ tim đúng cách. Đây là những yếu tố tiên quyết giúp tăng thêm cơ hội sống và giảm di chứng cho người bệnh.

GS-TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E Trung ương, cho biết nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các tế bào cơ tim bắt đầu bị tổn thương không hồi phục sau 30 phút. Vì thế, thời gian điều trị sớm có ý nghĩa sống còn và việc sơ cứu ban đầu giúp giảm di chứng, tăng khả năng sống sót cho người bệnh.

HP (Nguoiduatin.vn)