Vào khoảng 17h ngày 8/6, chuyến bay VJ162 của hãng Vietjet Air từ vị trí đỗ 88 di chuyển ra đường băng sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM chuẩn bị cất cánh đi Hà Nội. Tiếp viên phát hiện con rắn trên hộc hành lý tại hàng ghế số 15.
Tổ bay đã quay đầu máy bay về bãi đỗ, toàn bộ hành khách được sắp xếp hành trình trên tàu bay mới. Lực lượng chức năng sân bay đã lên máy bay bắt rắn.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết đang yêu cầu các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ vụ việc.
“Đây là 1 con rắn con, dài khoảng 20 cm, là loại rắn cảnh, không phải rắn độc. Nhiều khả năng con rắn một hành khách nào đó mang lên máy bay theo hành lý xách tay. Chúng tôi đang yêu cầu các bên liên quan báo cáo, làm rõ sự việc, lập tổ xác minh để đưa ra hình thức xử lý”, ông Thắng nói.
Cần phải nói rằng, trong điều lệ vận chuyển của hãng hàng không đều có những quy định cụ thể về vận chuyển động vật sống.
Tùy từng loại sẽ có quy định tương ứng về điều kiện đóng gói bao bì. Các hãng có thể có nhưng quy định khác nhau trong điều lệ vận chuyển, tuy nhiên, đối với động vật sống, cơ bản giống nhau vì cũng theo khuyến cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA).
Theo đó, động vật cảnh vận chuyển dạng hành lý ký gửi chỉ bao gồm: Chó, mèo, chim.
Các vật nuôi khác không được coi là động vật cảnh và phải được vận chuyển theo đường hàng hóa.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc rắn cảnh nếu do khách nuôi mang lên máy bay là vi phạm quy định. Muốn vận chuyển rắn cảnh, khách phải được sự cho phép của hãng vận chuyển phải gửi theo đường hàng hóa.
Hơn nữa, các loại động vật sống nếu được chấp nhận vận chuyển (kể cả theo đường hàng hóa hay hành lý ký gửi) đều phải tuân theo những quy chuẩn về đóng gói (chuồng, cũi, lồng) rất nghiêm ngặt.
Phía Cảng vụ Hàng không miền Nam, Phó giám đốc Nguyễn Minh Tuấn cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng của an ninh hàng không là kiểm tra phát hiện vũ khí, chất nổ, chất cháy và những vật phẩm nguy hiểm khác đưa trái phép vào khu vực hạn chế.
Như vậy, không có nghĩa là an ninh hàng không chỉ phải phát hiện những thứ thuộc danh mục vật phẩm nguy hiểm bị cấm, hạn chế mang theo người lên máy bay. Nếu phát hiện hàng giả, hàng cấm, an ninh hàng không phải phối hợp với hải quan, quản lý thị trường, kiểm lâm. Khi có dịch bệnh phối hợp với y tế.
Cũng theo ông Tuấn, Cảng vụ hàng không miền Nam đang chỉ đạo rà soát máy soi chiếu an ninh để điều tra, làm rõ vụ việc.
Trường hợp nếu con rắn cảnh nói trên do khách mang lên và vô tình bị xổng ra ngoài, câu hỏi đặt ra, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Theo một chuyên gia hàng không, do con rắn này có kích thước nhỏ, hình ảnh trên máy soi chiếu tương tự như chất hữu cơ thông thường nên khó xác định khi phân tích.
“Hiện chưa rõ rắn có nằm trong danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm hạn chế mang theo người, hành lý lên tàu bay hay hông. Nhưng ngay cả khi không có trong danh sách này, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra an ninh soi chiếu, khi phát hiện các trường hợp hành khách mang theo đồ vật liên quan đến quy định vận chuyển, an ninh hàng không sân bay sẽ phối hợp và thông báo cho hãng hàng không”, chuyên gia cho hay.
HP (Nguoiduatin.vn)