Đang có nhiều người hiểu sai quy định phạt xe “chính chủ”

20/11/2016 11:34:00

Cơ quan chức năng khẳng định đi xe không “chính chủ” sẽ không bị dừng xe để phạt từ ngày 1-1-2017, chỉ bị phạt khi đi làm thủ tục hay vi phạm giao thông. 

Cơ quan chức năng khẳng định đi xe không “chính chủ” sẽ không bị dừng xe để phạt từ ngày 1-1-2017, chỉ bị phạt khi đi làm thủ tục hay vi phạm giao thông. 

Cơ quan chức năng nói CSGT tuần tra, kiểm soát trên đường không xác minh và xử phạt xe không "chính chủ". Trong ảnh: CSGT kiểm tra hành chính trên đường Võ Văn Kiệt - Ảnh: Sơn Bình

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn. Mời bạn đọc tham khảo giải thích của cơ quan chức năng, phân tích của các luật sư và nỗi băn khoăn của người đi xe về vấn đề này.

* Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM): Nhiều người hiểu sai quy định

Theo nghị định 46 năm 2016 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, phạt 100.000 - 200.000 đồng với cá nhân, 200.000 - 400.000 đồng với tổ chức là chủ môtô, xe máy và các loại xe tương tự môtô khi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (chuyển tên chủ xe trong giấy đăng ký xe sang tên của mình) khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế.

Như vậy, quy định này áp dụng đối tượng là chủ xe khi “mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản” mà không đăng ký sang tên xe chứ không phải người lái xe.

Bên cạnh đó, cảnh sát giao thông (CSGT) không thể tự ý dừng xe đang đi, trừ các trường hợp luật định.

Vì vậy, cảnh sát chỉ phạt chủ xe “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe” trong quá trình giải quyết vi phạm giao thông hay qua công tác quản lý hồ sơ, không được dừng xe chỉ để kiểm tra việc này.

Còn trường hợp đi xe do mượn, do thuê... thì không có quy định nào xử phạt cả. Bởi quan hệ này là quan hệ dân sự, không phát sinh thủ tục hành chính hay trách nhiệm hành chính trong các trường hợp này.

Nên trường hợp bạn bè mượn xe của nhau, vợ chồng đi xe của nhau, con cái lấy xe cha, mẹ để đi thì không vi phạm lỗi “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe”.

* Một chuyên gia pháp lý:

Sang tên 
để tránh rắc rối

Quy định sang tên, đổi chủ đối với môtô, xe máy được mua, tặng, cho là cần thiết. Vì trong nhiều trường hợp xe vi phạm pháp luật, xảy ra tai nạn giao thông, cảnh sát điều tra hoặc CSGT phải chứng minh chủ sở hữu xe đó. 

Giấy tờ xe chỉ có ý nghĩa xác định chiếc xe là hợp pháp, có đăng ký chứ không có ý nghĩa xác định chủ sở hữu.

Bên cạnh đó, khi mua, tặng, cho xe cần phải thể hiện bằng chứng từ hợp pháp: hợp đồng mua bán, công chứng, sang tên.

Vì việc này còn có những ý nghĩa quan trọng khác. Đối với chủ xe không sang tên, đổi chủ khi mua, được cho, tặng xe, nếu giao xe cho người khác mà người này gây tai nạn thì chủ xe có trách nhiệm liên đới với người gây tai nạn bồi thường.

Vì vậy khi mua bán xe mà không yêu cầu người mua xe sang tên, đổi chủ thì chủ sở hữu sẽ tự giữ rủi ro đối với mình.

* Ông Nguyễn Ngọc Tường (phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM): Đi xe cần có đầy đủ giấy tờ, không cần “chính chủ”

Hiện nay không chỉ trên địa bàn TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước, việc mua bán, thừa kế, cho tặng... xe máy thường ít khi làm thủ tục chuyển quyền sử dụng, sang tên, mặc dù theo nghị định 46 đây là việc bắt buộc.

Thời gian qua, trong việc xử lý các lỗi vi phạm giao thông, thậm chí truy nguồn gốc các loại xe gian, các ngành chức năng gặp nhiều khó khăn. Quan điểm cá nhân tôi là phải thực hiện nghiêm quy định này.

Hiện nay có cách hiểu người chạy xe phải “chính chủ” - nghĩa là một nhà có nhiều người sử dụng chung một xe thì người chủ, đứng tên trên “cà vẹt” xe khi chạy mới không bị xử phạt - là cách hiểu không đúng.

Theo tôi hiểu, trong trường hợp này người đi xe cần mang theo bằng lái xe, “cà vẹt” xe (có thể do người thân đứng tên), bảo hiểm xe, người nào trong gia đình đi xe thì cầm theo các loại giấy tờ này phòng thân.

“Chính chủ” ở đây được hiểu là có giấy tờ đầy đủ, chứ không phải chỉ người chủ xe được quyền đi xe của mình.

Thông thường CSGT cũng không dừng kiểm tra lỗi xe “chính chủ”, mà chủ yếu trong các trường hợp cần thiết khi người vi phạm giao thông, khi nghi ngờ xe trên thuộc loại xe gian chẳng hạn.

Còn người chạy xe của người quen, người thân thì không bận tâm bị phạt, lực lượng chức năng phải có nghiệp vụ xác định trong các trường hợp này.

* Ông Đoàn Thông 
(người chạy xe ôm trên đường CMT8, P.11, Q.3, TP.HCM): Dễ phát sinh 
tiêu cực

Tôi ủng hộ việc sang tên, đổi chủ để khi xe mất hay tai nạn giao thông thì công an dễ tìm kiếm chủ xe.

Tuy nhiên, quy định cũng có nhiều vướng mắc. Ví dụ nhiều gia đình chỉ có một chiếc, vợ chồng con cái xài chung.

Nếu xe đứng tên chồng, khi vợ lấy đi làm vi phạm giao thông và bị CSGT thổi phạt thì phải gọi điện thoại cho chồng để xác minh nhưng không phải lúc nào cũng gọi được, hoặc hằng ngày người vợ phải đem theo các giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn... để chứng minh mình có quan hệ với chủ xe.

Như vậy rất rắc rối, phức tạp và tạo điều kiện cho tiêu cực phát sinh. Chính vì thế, theo tôi, người cho mượn xe chỉ cần đưa giấy tờ xe cho người mượn, công an chỉ cần kiểm tra xem giấy tờ đó có hợp lệ không là đủ.

* Một cán bộ UBND P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân 
(TP.HCM): Kiểm tra 
an toàn hơn là
“chính chủ”

Quy định sang tên đổi chủ đối với môtô, xe máy chủ yếu tác động đến những người có thu nhập thấp vì nhu cầu của họ là kiếm được xe đi lại giá rẻ, nhanh, mua bán sang tay.

Hiện nay có rất nhiều trường hợp xe đã quá cũ, qua nhiều đời chủ, thậm chí không biết chủ cũ ở đâu nên họ rất ngại việc sang tên đổi chủ vì tốn nhiều thời gian, công sức, thủ tục phức tạp.

So với việc xác định đi xe “chính chủ” hay không thì việc xe của dân có an toàn không, cơ quan đơn vị nào kiểm định xe của họ, xe sử dụng bao nhiêu năm thì không được phép đi... để họ lái xe an toàn mới là trên hết, tránh trường hợp xe đã quá cũ, không an toàn khi đi.

Về mặt quản lý, theo tôi, cần thay đổi theo hướng áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực này.

Ví dụ như từ bằng lái xe có thể tra cứu được thông tin cá nhân của người lái xe, hoặc từ giấy tờ xe có thể tra cứu được chiếc xe này có phải từng là xe tang vật vụ án hay không, còn việc tra cứu xe của ai chỉ phục vụ lợi ích của một bộ phận là cơ quan chức năng chứ không phải của dân, vì vậy không nên làm rắc rối người đi xe.

* Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM): Nhiều bất cập

Thực tế, người chủ sở hữu khi bán xe sẽ giao toàn bộ giấy tờ xe cho người mua, trách nhiệm sang tên xe thuộc về người mua. Vậy làm thế nào để phân biệt một người đang đi xe mượn hay xe chưa sang tên, đổi chủ?

Trong trường hợp xe vi phạm quy định về giao thông, người mượn xe là bạn bè, đồng nghiệp của chủ sở hữu nhưng không nhớ số điện thoại của chủ xe thì việc xác minh xe mượn hay xe chưa sang tên rất khó khăn, đồng thời cũng đặt ra vấn đề công an có quyền tạm giữ xe để xác minh hay không.

Vì vậy, quy định này gây ra nhiều rắc rối cho cả người dân lẫn công an.

Theo T.Mai - Q.Khải - S.Bình (Tuổi Trẻ)

Nổi bật