Các vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã được phát hiện và xử lý quyết liệt không có "ngoại lệ", "không có vùng cấm. Đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) theo dõi.
Từ sau Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo (tháng 1/2023) đến nay, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện nghiêm Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Thông tin trên Tạp chí Giáo Dục Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 480 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đến các cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định.
Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có chuyển biến tích cực. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỷ đồng (đạt 49,44%).
Tuy nhiên, lợi dụng quy định của Luật Hôn nhân gia đình, có trường hợp vi phạm đã tìm cách ly hôn trước khi bị khởi tố để sang tên toàn bộ tài sản cho vợ hoặc cho chồng của mình và "tay trắng" vào tù khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc thi hành án đối với phần dân sự trong vụ án hình sự.
Điều 128 BLTTHS năm 2015 quy định về đối tượng kê biên và phạm vi áp dụng: “Kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để đảm bảo bồi thường thiệt hại”.
Quy định trên của pháp luật cũng có nghĩa, việc kê biên tài sản chỉ được quyền áp dụng khi nào đối tượng bị khởi tố bị can hoặc khi bị đưa ra xét xử. Còn trước đó, dù đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả trong giai đoạn khởi tố vụ án nhưng chưa khởi tố bị can cũng đều được “miễn trừ trách nhiệm”, hay nói cách khác người phạm tội được hưởng quyền bất khả xâm phạm về tài sản sở hữu. Đây chính là kẽ hở của pháp luật, vô hình trung biến thành khoảng “thời gian vàng” giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có.
Điển hình như vụ ông Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, bị Viện KSND Tối cao ra cáo trạng truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", thì chỉ 18 ngày trước khi ông Nam bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, TAND TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đã ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn của vợ chồng ông Trần Văn Nam.
Cụ thể, ngày 9/7/2021, TAND TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã có bản án số 142/2021/QĐST-HNGĐ về việc công nhận thuận tình ly hôn giữa ông Trần Văn Nam và vợ là bà P.M.H.
Việc thuận tình ly hôn giữa bà H. và ông Nam được ghi trong biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải ngày 1/7/2021. Về tài sản chung, ông Nam và bà P.M.H không yêu cầu tòa giải quyết.
Ngăn chặn những hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng là hết sức cần thiết
Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã chia sẻ quan điểm.
Vị đại biểu phân tích: “Trong kết luận thanh tra liên quan đến vụ của Trương Mỹ Lan, cũng đã nói rất rõ về chuyện tẩu tán tài sản tham nhũng. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp thời gian qua cũng thừa nhận rằng, tài sản tham nhũng do các đối tượng có hành vi phạm tội trong năm 2023, theo báo cáo và thực tiễn thu hồi cao so với mọi năm. Tuy nhiên, mặc dù tỉ lệ thu hồi rất cao, nhưng số tiền tham nhũng qua các đại án lại rất nhiều, nên con số thất thoát cũng không phải là nhỏ.
Cho nên, việc ngăn chặn những hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng là hết sức cần thiết.
Các văn bản luật, dưới luật cũng đã có những quy định rất rõ ràng, cụ thể đối với các hành vi, để những đối tượng không thể, không muốn, không làm việc tẩu tán tài sản”.
Ly hôn để tẩu tán tài sản có thể bị xử lý hình sự
Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, pháp luật cũng có quy định là các giao dịch dân sự về chuyển quyền sở hữu tài sản mà trái pháp luật, đạo đức xã hội, nhằm trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm dân sự, giao dịch đó sẽ vô hiệu.
Bởi vậy, trong trường hợp các giao dịch về dân sự để chuyển quyền sở hữu tài sản của bị can, bị cáo được thực hiện trước khi khởi tố có dấu hiệu tẩu tán tài sản, cơ quan chức năng có quyền đề nghị tòa án xem xét tuyên bố hủy bỏ các giao dịch dân sự đó để trả lại tài sản cho bị can, bị cáo nhằm đảm bảo cho việc thực hiện trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự.
Đối với những vụ ly hôn giả mạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ bồi hoàn tài sản cho nhà nước, nhằm tẩu tán tài sản do phạm tội mà có, cơ quan chức năng cần làm rõ và có thể hủy bỏ quyết định, bản án ly hôn trái pháp luật, thu hồi tài sản do phạm tội mà có để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp phát hiện ra người vợ, người chồng của bị can giúp sức cho bị can trong việc tẩu tán tài sản do phạm tội mà có hoặc sử dụng tài sản vào mục đích khác để hợp thức hóa nguồn gốc tài sản, người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm và tội rửa tiền theo quy định của bộ luật hình sự.
Vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà có vẫn là vấn đề nan giải của nhiều năm nay. Theo thống kê từ các bản án trong các vụ án thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ cho thấy, việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có rất thấp do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân là người phạm tội không còn tài sản.
Bởi vậy, đối với những vụ án gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước hoặc chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, cơ quan chức năng cần làm rõ những tài sản mà bị can bị cáo đứng tên trước đó, làm rõ các giao dịch chuyển nhượng, tặng cho, phân chia tài sản chung vợ chồng và các giao dịch khác để chuyển dịch quyền sở hữu tài sản có vi phạm điều cấm của pháp luật không, có dấu hiệu tẩu tán tài sản hay không để hủy bỏ các giao dịch này, thu hồi tài sản cho nhà nước.
Ngoài ra, với những người thân thích của bị can, bị cáo mà lại đứng tên các tài sản lớn nhưng không chứng minh được thu nhập nguồn gốc, cũng có thể xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Biên Thùy (SHTT)