Những hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và không đồng tình với kết luận của ngành chức năng Bà Rịa – Vũng Tàu về nguyên nhân khiến 254 tấn cá chết là do độ mặn giảm, thiếu ôxy.
254 tấn cá chết khiến người dân thiệt hại gần 30 tỉ đồng. |
Theo kết luận của các ban ngành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do mưa lớn, nước từ trên bờ đổ dồn xuống làm cho độ mặn nước sông giảm đột ngột gây sốc khiến cá bỏ ăn. Cộng với các nguồn ô nhiễm khác làm nguồn nước bị thiếu ôxy cục bộ dẫn đến cá tuột nhớt và chết nhanh.
Khi người dân cố gượng dậy để bám sông tiếp tục làm ăn thì mới đây, trong vòng chưa tới 1 tuần, 254 tấn cá chim, cá bớp (từ 3 – 7 kg/con) sắp thu hoạch lại chết trắng lồng bè. Gần 30 tỉ đồng của người dân lại bị nước cuốn trôi.
Và cũng như lần trước, nguyên nhân chính được các ngành chức năng công bố là do thiếu ôxy, độ mặn giảm đột ngột bởi mưa lớn.
Là một trong những người bị thiệt hại nặng nhất với 10 tấn cá bớp thương phẩm chết, thiệt hại 1 tỷ đồng, dù phải bán cả mảnh đất ở xã Long Sơn để trả nợ, ông Lê Văn Thuận (46 tuổi) vẫn còn nợ ngân hàng, bạn bè 900 triệu đồng.
Ông Nguyễn Công Biên (44 tuổi) cũng mất 700 triệu đồng khi nhiều tấn cá bớp chết trắng. Nay để cứu sống cá còn lại, ông Biên liên tục phải dùng máy sục ôxy cho các lồng bè.
Người dân xã Long Sơn mang cá chết ra chặn QL 51 để phản đối. |
Không chỉ các hộ nuôi cá, những gia đình nuôi hàu trên sông Chà Và cũng bị thiệt hại. Có hộ trắng tay nên phá bè nuôi, bỏ sông lên bờ tìm việc làm.
Quá bức xúc, vào sáng ngày 13/10, hàng chục hộ dân đã mang cá chết ra chặn ngang QL 51 không cho xe cộ lưu thông, khiến giao thông ắc tách trong nhiều giờ.
Theo ông Biên, trước khi cá chết, một luồng nước sông có chuyển màu đen, bốc mùi khá hôi thối. Chính vì thế, cá ở các lồng bè phía gần giữa sông bị chết, còn các lồng phía trong lại không bị gì.
Tất cả các hộ dân khẳng định cá chết là do cống số 6 xả nước từ các nhà máy chế biến hải sản đóng ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành ra làm nước sông Chà Và ô nhiễm.
Cách đây ít ngày, ông Trần Văn Cường - Phó GĐ Sở NN&PTNT cùng sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có buổi làm việc với người dân xã Long Sơn để công bố nguyên nhân cá chết.
"Khi lãnh đạo 2 sở này nói việc cá chết là do thiếu ôxy, độ mặn giảm bởi mưa lớn, người dân đã lên tiếng bác bỏ. Một số người còn bỏ về khi cuộc làm việc đang diễn ra" – ông Biên nói và chia sẻ, họ cứ cho rằng cá nuôi chết là do thiếu ôxy là chưa thực tế. Lồng bè tôi lúc nào cũng sục ôxy nhưng cá nuôi vẫn chết.
Ông Biên đã cùng 1 số người dân tới cống số 6, lấy mẫu nước để test nhanh kiểm tra chất ô nhiễm và phát hiện ra nước ở đây có chứa chlorine.
Chlorine là do quá trình sản xuất, chế biến hải sản, xúc rửa máy móc, hồ chứa… mà các công ty chế biến hải sản xả ra chứ không tự dưng nước sông mà có – ông Biên khẳng định.
Ông Nguyễn Công Biên nói việc cá chết do thiếu ôxy, giảm độ mặn bởi mưa lớn là không chính xác. |
"Các sở ngành cứ nói do mưa lớn, nhưng trên thực tế, trước khi cá chết, trên địa bàn tỉnh chỉ có mưa nhỏ, lượng mưa không ăn thua. Họ cứ vòng vo vậy thì dân sao tin được", vẫn lời ông này.
Người dân xã Long Sơn mong muốn các ngành chức năng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phải có “kết luận chính thức” việc cá chết. Bên cạnh đó, sớm có kế hoạch di dời các nhà máy chế biển hải sản ở xã Tân Hải gây ô nhiễm đi nơi khác để dân yên ổn làm ăn.
Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Văn Cường cho hay, Sở nông nghiệp vừa mời tất cả các cơ quan liên quan, cả cảnh sát môi trường để phân tích ý kiến của bà con có chiều hướng trái chiều, đánh giá, rồi giải thích lại bằng văn bản cho người nào có ý kiến.
Về vụ kiện 14 cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải xả thải ra môi trường khiến cá chết, thiệt hại 18 tỉ đồng vào năm 2015, ông Cường thông tin, hiện đã có 3 doanh nghiệp đồng ý bồi thường, 11 cơ sở còn lại chưa có phản hồi. Nếu trong thời gian tới vẫn không thống nhất được, TAND TP Vũng Tàu sẽ đưa vụ kiện ra xét xử.
Theo Thạch Quý (VietNamNet)