Dân ôm nợ dai dẳng vì tục đâm trâu

04/11/2015 07:44:10

Mừng lúa mới, đám cưới hay có người thân đau ốm… nhiều hộ đồng bào ở Nam Trà My (Quảng Nam), thường mua trâu về đâm theo phong tục. Chi phí cao, một số nhà phải vay mượn hàng chục triệu đồng dẫn đến cảnh nợ nần.

Mừng lúa mới, đám cưới hay có người thân đau ốm… nhiều hộ đồng bào ở Nam Trà My (Quảng Nam), thường mua trâu về đâm theo phong tục. Chi phí cao, một số nhà phải vay mượn hàng chục triệu đồng dẫn đến cảnh nợ nần.

 

Cả làng đến ăn uống say sưa, hát hò triền miên mấy ngày đêm, mọi chi phí gia chủ chịu. Ảnh. Nguyễn Dương.

 
Theo phong tục, mọi chi phí mỗi lần đâm trâu đều do gia chủ chịu. Hội chính diễn ra khoảng 3 ngày nhưng trước đó phải chuẩn bị cả mấy tháng. Cả làng từ trẻ nhỏ đến người già đều được mời đến ăn uống say sưa, hát hò nhiều ngày đêm. Lễ vật thường là một con trâu, vài con lợn, hàng chục ché rượu cần và mấy tạ gạo để đãi người dân trong làng.

Ông Hồ Văn Li (50 tuổi, xã Trà Nam), vừa tổ chức đâm trâu mừng lúa mới. Xung quanh ngôi nhà ẩm thấp, được dựng bằng những thanh tre sơ sài đang còn những cây nêu, ché rượu nằm chỏng chơ.

“Nhà mình có tiền thì mình đâm thôi, trâu cả làng ăn chứ không riêng gia đình mình”, người đàn ông nằm trong danh sách hộ nghèo của xã phấn khởi nói. Đợt này, ông Li mua con trâu 30 triệu đồng từ làng bên, 2 con lợn 3 triệu đồng, 10 bao lúa và 50 ché rượu cần (mỗi ché 150.000 đồng)…. Tính ra, chi phí trong những ngày hội hết 50 triệu đồng, phần lớn số tiền này gia đình ông Li phải đi vay ngân hàng hoặc người thân.

Đây là lần thứ 3 nhà ông Li tổ chức đâm trâu. Lần đâm gần nhất cách đây đã 5 năm nên ông Li biết cần một khoản tiền lớn để chi cho lễ hội. Nhưng ông vẫn quyết làm dù phải vay mượn vì muốn được làng trọng dụng, đặc biệt là để khẳng định gia đình giàu có.

“Tục lệ của người Xê Đăng đâm trâu nhiều thì thần linh mới che chở cho. Gia đình sẽ không có người ốm đau và cầu mong mùa màng bội thu. Ở đây, gia đình nào cũng làm rứa hết”, ông Li phân trần. Theo quan niệm của người Xê Đăng, hộ nào có nhiều sừng trâu treo trong nhà là có gia thế, hộ nào tổ chức 5 lần đâm trâu sẽ được tiến cử vào chức già làng.
 

Ngôi nhà lụp xụp của cô giáo Hoa dưới chân núi Ngọc Linh vẫn còn sót lại cây nêu nằm chỏng chơ sau lễ hội triền miên.  Ảnh. Tiến Hùng.

 
Nằm cách không xa nhà ông Li, ngôi nhà bằng tre lụp xụp của cô giáo Hồ Thị Hoa (52 tuổi), cũng vừa diễn ra lễ đâm trâu. Đây là lần thứ 4 cô giáo tiểu học này tổ chức đâm trâu, 3 lần trước là để mừng đám cưới của cô với chồng mới. Lần này, cô Hoa đâm trâu chỉ vì người thân trong nhà bị bệnh. “Cũng nhờ đâm trâu nhiều lần nên cô giáo rất có uy tín trong làng. 3 người chồng trước đã mất, mới đây cô lấy được thanh niên hơn 20 tuổi làm chồng cũng nhờ đâm trâu, ai cũng tưởng cô giàu có”, ông Nguyễn Văn Hà, làm nghề buôn bán ở đây nói.

Ông Hà kể, mỗi lần thấy người dân mang những con trâu to lớn ra để đâm, ông thấy tiếc nên khuyên nhủ đổi trâu nhỏ rồi phụ lại tiền nhưng họ không chịu. “Người dân ở đây không làm thì thôi, đã tổ chức là phải đâm trâu to. Ăn uống linh đình, còn nợ thì cứ kệ, làm rẫy trả sau”, ông Hà ngao ngán nói.

Con rể của cô giáo Hoa là anh Hồ Văn Định (25 tuổi), cách đây 3 năm cũng tổ chức đâm trâu để chữa bệnh cho vợ. Từ đó đến nay, số nợ ngân hàng 15 triệu đồng dùng để mua trâu anh vẫn chưa trả nổi.

Cũng giống như các hộ dân khác ở dưới chân núi Ngọc Linh này, vợ chồng anh Định sống trong nhà sàn thấp bé, dột nát. Cuộc sống qua ngày của gia đình trông chờ vào nương lúa, nương ngô. Năm nào trời thương thì có lương thực đủ ăn, năm nào nắng hạn thì không đủ bữa. Thế nhưng, lúc đó anh bỏ ra 40 triệu đồng trong đó phần lớn là tiền vay mượn để tổ chức đâm trâu.

“Nợ thì nợ, đâm là phải đâm thôi. Trả xong nợ mình lại vay mượn đâm tiếp. Mình đâm trâu để cảm ơn thần linh giúp đỡ, con ma không bắt mình. Ở trong làng mà không tổ chức đâm trâu tức là thua kém mọi người, có khó đến mấy cũng phải đâm trâu”, Định cười nói.
 

Mỗi lần lễ hội gia chủ tốn hàng trăm lít rượu. Ảnh. Tiến Hùng.

 
Nhà chức trách Nam Trà My cho hay, tuyên truyền đã nhiều nhưng người dân vẫn nhất quyết đâm trâu nên "phép vua thua lệ làng". Chính quyền cũng không có số liệu chính xác bao nhiêu con trâu bị giết mỗi năm để phục vụ lễ hội của dân làng. Chỉ biết con số này lớn đến mức một chủ tịch xã phải thốt lên “cứ sau lễ mừng lúa mới là trâu nông nghiệp lại giảm đến mức báo động, người dân thiếu sức kéo để làm ruộng”.

Cho rằng đâm trâu vốn là một phong tục đẹp nhưng đang dần biến tướng thành hủ tục, mê tín dị đoan, bà Lê Thị Thủy, Trưởng ban dân tộc tỉnh Quảng Nam, cho hay người dân thiểu số vốn rất coi trọng trâu, xem như con vật kết nối giữa thần linh với con người. Chính vì vậy từ xa xưa trong mỗi đám cưới, đám tang hay mừng lúa mới dân làng mới tổ chức đâm trâu. "Vay ngân hàng về đâm trâu chữa bệnh thì chắc chắn là hủ tục chứ không còn là phong tục gì nữa, cần phải xóa bỏ", bà Thủy nói.

Theo Tiến Hùng (VnExpress.net)

Nổi bật