Hiện trường vụ nổ ở Bắc Ninh nhìn từ trên cao - Video: NGUYỄN KHÁNH
Một ngày sau vụ nổ kinh hoàng khiến 2 trẻ em chết tại thôn Quan Độ, đại diện chính quyền vẫn cho rằng khó biết dân mua phế liệu là đạn dược...
Mua chui phế liệu đạn dược?
Từ sáng 4-1, các lực lượng công an, quân đội có mặt rất đông tại trụ sở UBND xã Văn Môn, cách hiện trường vụ nổ khoảng 500m.
Hiện trường vụ nổ vẫn bị phong tỏa, có nhân viên an ninh canh gác. Nhiều tốp người dân đang xúm lại bàn tán. Các mảnh đạn đã nổ, cả đầu đạn chưa nổ vẫn dễ dàng tìm thấy ở cách hiện trường vài trăm mét.
Trưởng thôn Quan Độ Nguyễn Văn Lý cho rằng bản thân chính quyền thôn và người dân xung quanh không thể biết hộ kinh doanh họ buôn bán, tàng trữ cả một "kho đạn" như thế.
"Các hộ dân trong thôn thường mua phế liệu về rồi tự phân loại sắt, đồng, nhôm, nhựa và sau đó bán lại cho các cơ sở tái chế. Cũng từng thấy có hộ đưa cả tên lửa Sam-2, xe tăng, cánh máy bay và cả những động cơ máy cỡ lớn về, nhưng không thể ngờ họ liều lĩnh đưa hàng tấn bom, đạn về để giữa thôn như thế" - ông Lý giãi bày.
Ông Nguyễn Chí Cường, phó chủ tịch UBND huyện Yên Phong, cho biết cả xã Văn Môn có đến 500 hộ kinh doanh, mua và tái chế phế liệu.
Hỏi về công tác quản lý, kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán, tái chế hàng phế liệu, ông phó chủ tịch huyện tỏ vẻ lúng túng, cho biết phụ trách việc này là một phó chủ tịch huyện khác. Còn cá nhân ông biết huyện có hẳn một tổ thanh tra, thường xuyên kiểm tra hoạt động này.
"Kinh doanh, buôn bán phế liệu có quy định hẳn hoi, kiểm tra thường xuyên, nhưng việc người dân mua bán, tàng trữ cả vật liệu nổ thì chính quyền huyện và xã không thể biết được. Cái này bị cấm và họ buôn bán chui lủi thì cơ quan chức năng cũng chịu" - ông nói.
Ông Nguyễn Văn Lý công nhận quản lý "có vấn đề", rất lỏng lẻo nên mỗi ngày dọc tuyến đường chính của xã có hàng trăm chuyến xe tải chở các loại phế liệu ra vào nhưng không hề bị kiểm soát.
Sống chung với..."tử thần"
Ông Đặng Trần Quyết - nhà ở ngay đầu ngõ, sát với hiện trường vụ nổ - cho biết người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên lãnh đạo xã trong những đợt tiếp xúc cử tri về việc ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ tại các điểm mua phế liệu, nhưng không có kết quả.
Bản thân ông trưởng thôn Nguyễn Văn Lý cũng thừa nhận dân vẫn có ý kiến phản ảnh, "nhưng các cuộc họp chả mang lại kết quả gì biến chuyển. Chúng tôi rất cần phải có lãnh đạo tỉnh, huyện cùng dự họp để tiếp thu ý kiến của dân. Chứ chúng tôi ý kiến lên xã nhiều lắm rồi mà vẫn vậy".
Bà Nghiêm Thị Gái, nhà ngay cạnh hiện trường vụ nổ, cho biết: "Gia đình tôi quá may mắn khi không ai bị thương vong gì, nhưng giờ nghĩ lại chúng tôi mới thấy hoảng. Ai ngờ ngay cạnh nhà mình có cả kho đạn như vậy mà chính quyền chẳng kiểm tra, ngăn cấm gì".
Theo phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Cường và trưởng thôn Nguyễn Văn Lý, huyện đã có dự án quy hoạch một khu chuyên cho mua bán, tái chế phế liệu với diện tích 25ha. Tuy nhiên, do khó khăn về quỹ đất và nguồn vốn nên đến giờ này dự án vẫn chỉ... trên giấy.
Theo Đức Bình - Danh Trọng (Tuổi Trẻ)