Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận chỉ đạo xử lý nghiêm việc xả thải ra môi trường và các hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự trên QL1A.
Tình hình dần ổn định
Trưa 16-4, chúng tôi có mặt tại khách sạn Vĩnh Hảo (xã Vĩnh Tân) nơi thiệt hại nặng nề do bị hàng ngàn người quá khích tấn công vào đêm 15-4. Toàn bộ cửa kính mặt tiền và nhà hàng của khách sạn này vỡ vụn; gạch đá nằm đầy sân. Ba ô tô bị đập phá gây hư hỏng nặng (không phải bị đốt như thông tin trước đó - PV). Trên tường rào khách sạn vẫn còn dấu cháy xém và những mảnh vỡ từ bom xăng tự chế của người dân ném vào.
Một nhân chứng cho biết một quả bom xăng ném vào làm cháy mui chiếc xe chữa cháy của Công an tỉnh Bình Thuận đang đậu trong sân. Tuy nhiên, may mắn một số chiến sĩ CSCĐ kịp thời gạt ra và dùng hơn 10 bình chữa cháy có sẵn trong khách sạn dập tắt lửa. Phía bên hông khách sạn vẫn còn hơn chục lá chắn của CSCĐ bị hư hỏng do người dân ném đá. Dãy phòng phía sau khách sạn Vĩnh Hảo vẫn còn in rõ nhiều dấu máu của các chiến sĩ CSCĐ do bị số người quá khích ném đá.
Công nhân Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân II đang thu gom tro xỉ, sau đó tưới nước và phủ bạt lên trên. Ảnh: P.NAM |
Cảnh hoang tàn sau một đêm bị đập phá của khách sạn Vĩnh Hảo, xã Vĩnh Tân. Ảnh: P.TĨNH |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Trung, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết UBND tỉnh đã triển khai thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (sớm ổn định tình hình). Tỉnh cũng đề nghị bà con bình tĩnh, theo dõi việc nhà máy khẩn trương khắc phục ô nhiễm môi trường như họ đã cam kết.
Trong khi đó, ông Trương Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tân, cho hay: “Hiện chưa tính được tổng thiệt hại trong vụ việc này nhưng ước chừng con số lên tới hàng chục tỉ đồng”.
Giám sát chặt nhà máy điện
Chiều cùng ngày, chúng tôi cùng một số người dân có mặt tại bãi xỉ để giám sát việc thực hiện cam kết của nhà máy. Tại đây nhà máy đã huy động khoảng 50 công nhân, ba xe xúc, hai xe ủi, hai xe phun nước và ba xe bồn để thu gom tro xỉ, sau đó tưới nước và phủ bạt lên trên. Đại diện nhà máy cũng cho biết bãi xỉ có diện tích hơn 64 ha, nhà máy mới đổ ở một góc bãi rộng khoảng 15 ha. Hiện nhà máy đang kêu gọi các nhà đầu tư sử dụng khối lượng tro xỉ khổng lồ này để làm vật liệu xây dựng không nung và phụ gia xi măng.
Bãi xỉ này chỉ cần nhìn bằng mắt thường cũng thấy rất nhiều điều bất hợp lý. Cụ thể, Tuy Phong là vùng đất có gió rất lớn nhưng bãi xỉ lại đặt ở trên cao, lộ thiên. Bãi xỉ với diện tích khổng lồ nhưng xung quanh đều trơ trụi không có cây xanh. Chỉ cần một cơn gió mạnh cũng đủ cuốn cả khối lượng tro xỉ đổ ập xuống các khu dân cư xung quanh. Để tiếp nhận tro xỉ từ nhà máy thải ra, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe cơ giới vận chuyển nhưng các xe này phủ bạt sơ sài khiến hàng tấn tro xỉ rơi vãi đầy trên đường vận chuyển.
Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho hay báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của cả nhà máy lẫn bãi xỉ đều do Bộ TN&MT phê duyệt. Do đó Sở chỉ có thể tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị Bộ TN&MT tăng cường việc kiểm tra, giám sát. “Hiện các lực lượng chức năng của tỉnh vừa tiếp tục giám sát việc thực hiện cam kết của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân II, vừa cử lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn những người quá khích tiếp tục tụ tập đông người” - ông Trung nói.
Phó Thủ tướng chỉ đạo chấm dứt ô nhiễm “Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và tỉnh Bình Thuận khẩn trương khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân II để người dân an tâm sinh sống” - chiều 16-4, ông Nguyễn Văn Nên - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng khẩn trương chỉ đạo thực hiện các giải pháp sử dụng tro xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân làm vật liệu xây dựng không nung, phụ gia xi măng. UBND tỉnh Bình Thuận phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân nắm rõ chỉ đạo của Thủ tướng, không để kẻ xấu lôi kéo, kích động làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. NGUYỄN ĐỨC ____________________________________ Trong hai ngày bị ách tắc, doanh nghiệp của tôi đã hủy ba hợp đồng xuất khẩu phôi tôm giống, thiệt hại sơ bộ khoảng 400-500 triệu đồng. Đó là chưa tính đến thiệt hại vì tôm thiếu nước ngọt để thay thế trong mấy ngày qua. Ông BÙI VĂN TỊCH, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Úc Mấy ngày qua công ty tôi đã hủy nhiều hợp đồng mua bán tôm đi các tỉnh Long An, Bến Tre… Ngày hôm qua, công ty may mắn giao kịp hàng khi đi vòng qua hướng Đà Lạt (dù trễ hơn 3 giờ). Thiệt hại sơ bộ không dưới 350 triệu đồng. Ông TRƯƠNG VĂN ĐOÀN, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam Mấy ngày nay có nhiều người muốn ăn cơm ở quán tôi nhưng tôi không dám bán vì thấy tình hình bất ổn quá. Anh LÊ KHẮC ĐÃ, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận |