Ngày 14/5/1927, ông Quách Đàm qua đời tại tư gia ở số 114, đại lộ Gaudot, Chợ Lớn, thọ 65 tuổi. Một đám tang lớn chưa từng có đã diễn ra ở Sài Gòn.
Khởi nghiệp từ 2 bàn tay trắng, Quách Đàm có những thành công vượt bậc.Ông cũng đã có lần thua lỗ, trở về con số 0 nhưng cũng từ đó ông gây dựng lại cơ đồ.
Trước khi mất, ông nằm liệt giường trong nhiều năm nhưng đầu óc vẫn minh mẫn. Ông điều khiển công việc làm ăn ngay trên giường bệnh.
Khu vực nhà lồng của chợ Bình Tây sửa chữa. Các gian hàng bên ngoài vẫn hoạt động bình thường. |
Tin ông Quách Đàm mất đã làm nhiều người bất ngờ. Trên một tờ báo thời bấy giờ đã tường thuật lại đám tang: "Xe tang là xe vận tải trang trí đầy hoa và quả. Trước xe là di ảnh của ông Quách Đàm trang trọng, mỉm cười và trên ngực là các huy chương.
Quan tài được làm từ gỗ quý. 50 chiếc xe hơi sang trọng đi theo sau, chậm rãi đến nghĩa trang Phú Thọ.
Đám tang kéo dài 2 giờ với nhiều loại âm nhạc lạ kỳ. Dân chúng cả người Hoa lẫn người Việt ở đầy vỉa hè, các cửa sổ, trên các cành cây, trên nóc nhà để chứng kiến".
Trong cuốn "Sài Gòn năm xưa" của học giả Vương Hồng Sển cũng có đoạn: “Khi Quách Đàm chết, đám ma lớn không đám nào bằng với đủ thứ nhạc Tây, Tàu, Ta, Miên…
Khách đi dường có việc, miễn nối gót theo đám ma vài bước là có người lễ phép đến dâng một ly nước dừa hay lave (bia) và tặng một quạt giấy có kèm một tấm giấy “ngẫu” (một số tiền) đền ơn có lòng đưa đón.
Quách Đàm được chôn ở gần chùa Giác Lâm, giáp ranh Chợ Lớn và Gia Định”.
Di sản chợ Bình Tây
Những ngày đầu năm mới, chúng tôi đến chợ Bình Tây. Sau gần một thế kỷ tồn tại, đến nay đây vẫn là ngôi chợ lớn nhất và đẹp nhất của Sài Gòn.
Rào chắn bằng tôn bao bọc khu nhà lồng chợ. |
Hiện nay, chợ đang trong giai đoạn trùng tu. Đây là đợt trùng tu lần thứ 3 và cũng là lần lớn nhất sau 2 lần vào năm 1992 và 2006. Bốn phía chợ được dựng vách tôn che chắn không ai vào được bên trong.
Toàn bộ tiểu thương đều phải dọn ra chợ tạm trên đường Tháp Mười phía trước mặt chợ Bình Tây đang sửa chữa.
Chợ Bình Tây là công trình do ông Quách Đàm "thai nghén". Mọi chuẩn bị cho ngày khởi công theo dự định vào năm 1927 đã xong nhưng chưa kịp động thổ thì ông qua đời. Phải đến năm sau, gia đình ông mới thực hiện theo di nguyện của ông.
Năm 1992, UBND quận 6 đã cho tu sửa xây dựng thêm một tầng lầu trong chợ, khiến chợ không còn cao và thoáng mát như xưa nhưng mở rộng thêm được 748 sạp.
Tổng số sạp trong chợ được nâng lên hơn 2.300 sạp, trong đó 1.446 sạp nằm trong nhà lồng chợ, 912 sạp nằm xung quanh chợ thuộc đường Lê Tấn Kế, Phan Văn Khoẻ, Trần Bình.
Các sạp kinh doanh với hơn 30 nhóm ngành hàng như gia vị (bào ngư, vi cá, bong bóng cá, kim châm, các loại nấm…), bánh kẹo (mứt, bánh các loại) và quần áo, giày dép, túi xách, đồ gia dụng (sành sứ, nhựa, nhôm, inox...), trang sức, vàng bạc đá quí…
Các mặt hàng tại chợ rất phong phú và đa dạng về chủng loại, giá cả phù hợp với sức mua của người có thu nhập trung bình. Hình thức kinh doanh tại chợ chủ yếu vẫn là bán buôn đi các địa phương.
Đợt trùng tu lần thứ 3 này bắt đầu từ tháng 11/2016 và sẽ hoàn thành sau 1 năm thi công.
Mặc dù hiện nay, hệ thống các siêu thị hoạt động rất rầm rộ và lan tỏa khắp nơi nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến sức mua bán tại chợ Bình Tây. Với vị thế chợ đầu mối nắm giữ việc kinh doanh của thành phố, chợ Bình Tây ngày càng được bà con tiểu thương và khách hàng tin yêu và mến mộ.
Sắp tới đây, với lối kiến trúc cổ xưa và bề dày lịch sử lâu năm của chợ, chợ đang mở ra một hướng phát triển mới.
Chợ Bình Tây sẽ là điểm du lịch tham quan mua sắm nhiều tiềm năng cho khách du lịch trong và ngoài nước.
Theo Trần Chánh Nghĩa (VietNamNet)