'Đảm bảo an ninh mạng nhưng không được hạn chế quyền công dân'

01/06/2018 07:05:00

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về an ninh mạng cần phải tường minh để tránh nguy cơ áp dụng tuỳ tiện.

Dự thảo Luật an ninh mạng đã được Quốc hội thảo luận lần cuối ở hội trường vào sáng 29/5 và dự kiến biểu quyết thông qua vào ngày 12/6.

Quá trình thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng cần thiết phải có các quy định về an ninh mạng trong bối cảnh công nghệ, internet phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều quy định trong dự thảo Luật được cho thiếu tính khả thi, gây băn khăn cho đại biểu. Trong đó có điều 15 quy định về "Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế".

Trao đổi với VnExpress bên hành lang Quốc hội, Bà Nguyễn Thị Kim Thuý - Uỷ viên Uỷ ban Các vấn đề xã hội Quốc hội nói, theo quy định thì hành vi bịa đặt, vu khống... sẽ bị xử lý theo quy định, "song cách nào xác định hành vi này, ai sẽ là cơ quan xác định và xử phạt lại không được nêu cụ thể?".  

“Điều quan trọng là làm sao xác định được thế nào là vu khống?”, bà Thuý đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng, trách nhiệm xác minh thông tin, xử lý người vi phạm phải là cơ quan chức năng có thẩm quyền chứ không phải ai muốn xử cũng được.

Ông Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, quy định như dự luật sẽ dẫn tới "nguy cơ áp dụng tuỳ tiện, lạm quyền trong xử lý của cơ quan quản lý". 

'Đảm bảo an ninh mạng nhưng không được hạn chế quyền công dân'
Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Ảnh: Quang Phúc

"Quy định không rõ sẽ khiến cơ quan quản lý có thể lạm dụng quyền trong xử lý các hành vi được cho là bôi xấu, vu khống... Còn với người dân, họ cũng bị hạn chế quyền khi đáng lý việc nói xấu ở mức độ nhẹ song lại bị quy thành rất nghiêm trọng để xử phạt", ông Thắng chia sẻ.Phân tích vấn đề, ông Thắng nói, an ninh mạng là môi trường ảo, tương tác mạnh. Bài toán khó với nhà chức trách là làm sao đảm bảo an ninh mạng nhưng không hạn chế quyền tự do của công dân và ứng dụng, phát triển môi trường mạng. Trách nhiệm giải bài toán này, ông Thắng cho là thuộc về cơ quan quản lý. 

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá bổ sung thêm, chế tài xử lý hành vi vi phạm, trách nhiệm của cơ quan quản lý, trong đó cơ quan nào giữ vai trò chính, cơ quan nào phối hợp kiểm tra... cũng cần nêu cụ thể. "Dù là luật về an ninh mạng nhưng nội dung trong luật phải tường minh. Càng là môi trường an ninh mạng các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn các bên liên quan phải được quy định rõ ràng", ông Thắng nói.

Ông Lê Thanh Vân - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách cũng quan niệm, dự Luật cần đưa ra định nghĩa thế nào là hành vi cấu thành tội phạm trên không gian mạng đối với tội vu khống, chống phá chế độ… tránh "nhận diện nhầm, vi phạm quyền tự do của công dân". "Nếu chúng ta định nghĩa được các hành vi cấu thành tội phạm trên không gian mạng dựa theo logic của Bộ luật Hình sự, tôi nghĩ xã hội sẽ không phản ứng như vừa qua", ông Vân nói.

Ngoài ra, ông cho rằng cần có cơ chế nâng cao nhận thức người dân trên không gian mạng trong bối cảnh thích nghi với cách mạng công nghệ 4.0. "Người dân phải có trách nhiệm tự kiểm soát trước những thông tin mình tiếp nhận", ông nói. 

Buộc Goolge, Facebook đặt văn phòng tại Việt Nam là "không khả thi"?

Một số đại biểu cũng cho rằng, việc dự thảo yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt trụ sở, cơ quan đại diện ở Việt Nam và lưu trữ dữ liệu trên đất Việt Nam là không khả thi.

Quy định này theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Kim Thuý, chưa tính tới năng lực, khả năng quản lý của Việt Nam và không phù hợp với tình hình thực tiễn.

“Yêu cầu họ đặt văn phòng, nhưng nếu văn phòng đó rỗng thì kiểm soát thế nào? Giờ là thời đại 4.0 rồi, doanh nghiệp nước ngoài họ kết nối bằng mạng lưới ảo chứ có phải bắt đặt cái bàn, cái ghế là có thể kiểm tra, kiểm soát được họ đâu”, bà nói.

Nữ đại biểu Đà Nẵng cho rằng, bất kỳ quy định nào cũng phải có tính khả thi để luật đi vào cuộc sống, nếu không điều luật đó chỉ trên giấy. "Mục đích quản lý bằng pháp luật thì pháp luật đó phải hợp thực tiễn, có tính khả thi”, bà Thuý nhấn mạnh.

Ủng hộ việc buộc các doanh nghiệp như Google, Facebook đặt văn phòng ở Việt Nam, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nói để "phòng trường hợp cần xử lý ngay các hiện tượng xâm hại tới an ninh quốc gia, quyền con người, thuần phong mỹ tục...".

Tuy nhiên ông lại cho rằng không nhất thiết buộc các doanh nghiệp này phải lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam. Theo ông, lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam hay không là việc của doanh nghiệp, nhưng nếu để lộ thông tin cá nhân thì họ đó phải chịu trách nhiệm, truy tố theo luật Việt Nam. Trường hợp này việc buộc mở văn phòng đại diện được ông Kiên ví như để "túm người có tóc".

Trước những quan điểm còn khác nhau của dự luật này, ông Lê Thanh Vân muốn, ban soạn thảo giải trình cặn kẽ một lần nữa để "đại biểu Quốc hội yên tâm bấm nút".

Theo Anh Minh (VnExpress.net)