Đại uý CSCĐ: Đưa ngón tay vào miệng cháu bé là cách tối ưu nhất
Chiều 4/8, tại sân vận động Thiên Trường, TP Nam Định diễn ra trận đấu giữa Nam Định - Hoàng Anh Gia Lai thu hút hơn 3 vạn cổ động viên đến sân cổ vũ cho đội chủ nhà.
Khi diễn ra hiệp 2 của trận đấu, một cháu bé có biểu hiện lên cơn co giật được lực lượng an ninh và cảnh sát cơ động tại sân khẩn trương đưa đến khu vực trung tâm y tế để tiến hành sơ, cấp cứu.
Khoảnh khắc Đại uý Trần Đức Giảng (hiện đang công tác tại Phòng Cảnh sát cơ động Công an Nam Định) nén cơn đau, đưa ngón tay cái vào miệng cháu bé được phóng viên Tiến Tuấn của báo điện tử Trí Thức Trẻ chụp lại, sau khi đăng tải trên báo đã lan truyền chóng mặt trên khắp các trang mạng xã hội facebook.
Chia sẻ với PV về khoảnh khắc đưa cháu bé tới khu vực nhân viên y tế tiến hành sơ cấp cứu, Đại uý Trần Đức Giảng kể: Vào chiều 4/8, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nam Định nhận lệnh bảo vệ vòng trong trận đấu giữa Nam Định - Hoàng Anh Gia Lai tại sân vận động Thiên Trường.
Do trận đấu nhận được sự quan tâm của rất đông cổ động viên nên có hàng vạn khán giả tới sân, chật kín tất cả các khán đài.
Theo Đại uý Giảng, khi hiệp 2 diễn ra được hơn 10 phút, tại khu vực khán đài B của sân vận động Thiên Trường có một tốp người nhốn nháo, ồn ào.
Ngay lập tức, Đại uý Giảng đang bảo vệ vòng trong, gần đường Piste tiến lại để xem có chuyện gì thì phát hiện lúc này lực lượng an ninh đang tiến hành kiểm tra một cháu bé khoảng 4 - 5 tuổi bị ngất xỉu.
Khi đến gần khán đài, Đại uý Giảng thấy lượng khán giả tập trung lại quá đông và ngó vào xem cháu bé, điều này có thể gây nguy hiểm đến cháu.
"Lúc này, tôi đứng bên dưới hò hét tất cả mọi người giãn ra để lấy không khí, độ thoáng cho cháu thở và đảm bảo điều kiện chuyển cháu xuống bên dưới để đưa đi cấp cứu.
Qua thông tin một số cổ động viên nói trên khán đài, cháu bé có biểu hiện co giật. Nghe vậy, tôi liền nghĩ đến việc nếu cháu bị co giật trong vô thức sẽ rất nguy hiểm, có thể cắn vào lưỡi.
Thời điểm đấy không còn cách nào khác tối ưu hơn việc đưa chính ngón tay của mình vào miệng cháu bé vì khi đưa ngón tay vào mình có thể cảm nhận được lưỡi của cháu, ngón tay không bị tuột ra khỏi miệng và cũng cảm nhận được ngón tay đưa vào bên trong miệng nông hay sâu.
Sau đó, một tay tôi đỡ cổ cháu bé và đưa ngón tay cái bên cánh tay còn lại vào miệng cháu...", Đại uý Giảng kể.
Đại uý Giảng cho hay, khoảng cách tiếp nhận cháu bé đến khu vực nhân viên y tế dài khoảng 100 mét.
Được học về cách sơ cứu người
Thời điểm cùng Hạ sỹ Trần Thanh Hiếu đưa cháu bé đến khu vực y tế, Đại uý Giảng bị cháu bé nghiến răng cắn rất đau, buốt. Đến khu vực có nhân viên y tế, bé trai vẫn có biểu hiện co giật và được các bác sỹ đưa dụng cụ y tế vào bên trong miệng.
Do lượng người ngày hôm qua đến sân Thiên Trường quá đông, sự việc lại xảy ra nhanh và bất ngờ nên Đại uý Giảng không nắm rõ tên tuổi, địa chỉ của cháu bé cũng như bố mẹ cháu.
Đại uý Trần Đức Giảng chia sẻ, trong hơn 16 năm công tác trong lực lượng cảnh sát cơ động, anh và đồng đội đã đối mặt với nhiều nguy hiểm, khó khăn cũng như cấp cứu cho nhiều người, nhưng chưa có trường hợp nào bất ngờ, cấp bách như ngày hôm qua.
"Hiện giờ tôi cũng muốn biết chính xác tình trạng sức khoẻ của cháu bé như thế nào, nhưng do lượng người hôm qua đến sân quá đông, trường hợp xảy ra lại bất ngờ nên tôi không biết cháu bé và bố mẹ là ai.
Lúc ấy, tôi chỉ suy nghĩ ở trong đầu là tìm mọi cách để cứu người và không cần biết cháu bé hay bố mẹ cháu là ai...", Đại uý Giảng chia sẻ.
Theo Đại uý Giảng, trong quá trình công tác tại Phòng Cảnh sát cơ động Công an Nam Định, anh và các đồng đội liên tục được huấn luyện, học qua các lớp sơ cứu người gặp nạn.
"Bằng kinh nghiệm nuôi con ở nhà của bản thân, hầu như bé nào khi sốt cao cũng có thể có biểu hiện co giật.
Trong quá trình huấn luyện, chúng tôi cũng được học tập về cách sơ cứu người bước ban đầu...", Đại uý Giảng nói.
Theo Hoàng Hải (Soha/Trí Thức Trẻ)