Đại úy công an chĩa súng vào nhân viên y tế có thể bị xử lý thế nào?

15/11/2021 08:54:24

Theo luật sư, hành vi sử dụng súng chĩa vào nhân viên y tế để đe dọa của Đại úy Nguyễn Duy Ngọ, cán bộ Công an huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) thể hiện thái độ coi thường pháp luật, vừa gây mất an ninh trật tự, có dấu hiệu tội phạm.

Liên quan đến vụ một Đại úy công an chĩa súng vào nhân viên y tế huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng gây xôn xao dư luận, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã đình chỉ công tác đối với Đại úy Nguyễn Duy Ngọ (SN 1990, đang công tác tại Công an huyện Lâm Hà) để làm rõ các hành vi vi phạm.

Trao đổi với PV Dân trí về clip được lan truyền trên mạng xã hội, ông Võ Đông Phương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng - cho rằng, đây chỉ là cảnh các diễn viên tham gia đóng phim chứ không phải như thông tin rút súng đe dọa cán bộ y tế như trên mạng xã hội lan truyền.

Trong khi đó, một lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng cho biết, đơn vị này đã nắm được thông tin clip. Người đàn ông có hành vi đe dọa cán bộ y tế đang công tác tại huyện Lâm Hà nên đơn vị này không biết sự việc đã được xử lý hay chưa và cũng chưa được Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng báo cáo lại.

Đại úy công an chĩa súng vào nhân viên y tế có thể bị xử lý thế nào?
Đại úy công an chĩa súng vào nhân viên y tế. Ảnh: Cắt từ clip

Dư luận đặt vấn đề: Công an được sử dụng súng trong trường hợp nào? Công an tự do sử dụng súng sai mục đích bị xử lý như thế nào?

Báo Dân Trí dẫn lời luật sư Nguyễn Thị Xuyến, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp một số người được giao sử dụng vũ khí (trong luyện tập; thi đấu thể thao; quân đội; dân quân tự vệ,…) phải sử dụng đúng mục đích; đúng quy định; khi mang vũ khí phải mang theo giấy chứng nhận, giấy phép sử dụng; bảo quản đúng quy trình; bảo đảm an toàn; không để mất, hư hỏng; bàn giao vũ khí và giấy phép cho người có trách nhiệm quản lý; bảo quản theo đúng quy định sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao.

Theo đó, sĩ quan công an không được tự do sử dụng súng mà chỉ được phép sử dụng khi được giao và phải sử dụng đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc, trên báo Công Lý, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp cũng nêu quan điểm. Theo luật sư Cường, trong vụ việc này cơ quan chức năng sẽ làm rõ khẩu súng đại úy sử dụng là của cán bộ công an này hay là công cụ hỗ trợ do Công an huyện Lâm Hà trang bị để làm nhiệm vụ.

Trong trường hợp khẩu súng trên là của cá nhân ông N., cán bộ này có thể bị xử lý về tội Tàng trữ, sử dụng trái phép súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ, quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong vụ việc trên, luật sư cường cho rằng đại úy N. sử dụng vũ khí khi không thực hiện nhiệm vụ. Bởi vậy, việc sử dụng vũ khí như vậy là lạm quyền, đe dọa đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, tính mạng và sức khỏe của người khác.

Xem xét hành vi của ông Ngọ, cơ quan điều tra có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người này về tội Gây rối trật tự công cộng hoặc Đe dọa giết người.

Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc ông Ngọ chĩa súng đe dọa có khiến 2 nhân viên y tế sợ hãi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của nạn nhân hay không. Nếu xác định là có, theo Điều 133 Bộ luật Hình sự về tội Đe dọa giết người, ông Ngọ sẽ đối diện với khung hình phạt 2-7 năm tù giam, do de dọa từ 2 người trở lên.

Còn trong trường hợp vị cán bộ công an không khiến 2 nạn nhân lo sợ bị giết hay không bị ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, ông Ngọ sẽ bị truy cứu tội Gây rối trật tự công cộng, quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt là 2-7 năm tù.

Điều 133. Tội đe dọa giết người

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý hình sự, ông Ngọ có thể sẽ phải chịu mức kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu công an nhân dân.

Như tin đã đưa, tối 11/11, lực lượng trực ban Công an huyện Đức Trọng nhận tin báo về một vụ việc có dấu hiệu mất ANTT tại khoa cấp cứu Trung tâm y tế huyện Đức Trọng. Ngay sau đó, Công an huyện Đức Trọng đã cử cán bộ chiến sĩ xuống hiện trường làm việc với các bên liên quan.

Làm việc với cơ quan Công an, người thanh niên to tiếng tại khoa cấp cứu đã xác nhận là đại úy Nguyễn Duy N., đang công tác tại Đội Cảnh sát kinh tế và ma túy Công an huyện Lâm Hà.

Đại úy N. trình bày, vào chiều cùng ngày khi đang trinh sát một đối tượng hiềm nghi ma túy tại khu vực giáp ranh giữa huyện Lâm Hà và huyện Đức Trọng, Đại úy N. lúc này sử dụng trang phục dân sự, để trang phục Công an nhân dân trên xe ô tô cá nhân, đồng thời có mang theo công cụ hỗ trợ là súng bắn hơi cay.

Khoảng 23h20, vợ của đại úy N. gọi điện báo về việc con nhỏ 7 ngày tuổi vừa bị sặc sữa, tình trạng rất nguy kịch. Ngay sau đó, N. báo với Ban chỉ huy rồi chạy về nhà tại xã Hiệp Thạnh - huyện Đức Trọng để chở con đi cấp cứu.

Tại sảnh cấp cứu Trung tâm y tế huyện Đức Trọng, có 2 nữ nhân viên y tế nhắc nhở việc đeo khẩu trang, lúc này vì lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con nên đại úy N. đã không kiểm soát được cảm xúc của bản thân, có hành vi to tiếng và cầm công cụ hỗ trợ giơ ra. Trong lúc bác sĩ đang thực hiện cấp cứu, đại úy N. cũng có lời nói lớn tiếng với nhân viên y tế. Về phía Trung tâm y tế huyện Đức Trọng, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, khám sàng lọc và hiện sức khỏe của cháu bé đã ổn định.

Minh Ngọc (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật