Sau khi chúng tôi đăng tải bài viết Lắp camera chống mất hành lý ở Tân Sơn Nhất, Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Phó tổng thư ký ASEAN, đã dẫn lại bài viết trên trang cá nhân kèm chia sẻ về trải nghiệm của chính mình tại sân bay này.
Ông Hoàng Anh Tuấn cho biết bản thân thường xuyên phải quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất trong những lần di chuyển giữa Hà Nội và Jakarta (Indonesia). Sân bay Tân Sơn Nhất chính là nơi ông gặp phải những rắc rối liên quan đến hành lý ký gửi.
Hỏng 3 chiếc vali trong 4 tháng
"Trong khoảng 4 tháng qua tôi đã có 3 chiếc vali bị hỏng, vỡ, một thùng đồ bị dập nát hoàn toàn. Tôi di chuyển nhiều và thường xuyên bay hạng thương gia, trên vali luôn được gắn nhãn ưu tiên (Priority) và đồ đạc dễ vỡ (Fragile) mà còn vậy, thì khả năng mất và vỡ đồ với các du khách khác thậm chí còn cao hơn nhiều", ông Tuấn chia sẻ.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn cho biết ông đã chứng kiến ở Tân Sơn Nhất cảnh tượng "không có tại bất kỳ một sân bay nào trên thế giới": Vài nhóm nhỏ du khách nước ngoài vẻ mặt lo lắng, mỗi người cầm một nắm túi nylon chia nhỏ gói đồ, rồi bọc tiếp nylon to hơn, rồi sau đó quấn cả vali trong bọc nylon.
"Hóa ra không chỉ tôi nhìn thấy, hôm trước trên Facebook có bạn người Việt cũng kể lại và đứng ra xin lỗi du khách vì thấy quá xấu hổ!", ông chia sẻ.
Ông Tuấn dẫn chứng một số quốc gia có văn hóa coi đồ du khách như (hoặc hơn) đồ của chính mình, có các biện pháp an ninh, quản lý hết sức hữu hiệu. Chẳng hạn ở Nhật, tại các băng chuyền thường xuyên có người đỡ lại, xếp nhẹ nhàng và ngay ngắn hành lý. Còn tại nhiều sân bay Trung Quốc, họ cho lắp camera khắp nơi, đặc biệt khách chờ lấy hành lý có thể nhìn thấy rõ hành lý của mình được vận chuyển.
Phó tổng thư ký ASEAN cho rằng công việc quản lý sân bay không cần chỉ đảm bảo về an ninh hàng không mà còn phải đảm bảo hành lý cho du khách.
"Những người được giao quản lý sân bay tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất đã không có ý thức về công việc và không biết cách làm tròn nhiệm vụ", ông Tuấn khẳng định trong bài đăng của mình.
Ông Tuấn cũng lưu ý thêm rằng việc làm hư đồ du khách tại Tân Sơn Nhất chỉ xảy ra thường xuyên trong 6 tháng vừa qua.
Từ góc nhìn của người làm công tác ngoại giao, đại sự Hoàng Anh Tuấn lo ngại những bất cập như việc bảo quản hành lý của du khách có thể ảnh hưởng xấu tới hình ảnh quốc gia.
"Tôi không tin những du khách lo lắng gói ghém đồ hôm trước sẽ còn có ý muốn quay trở lại để 'du lịch mạo hiểm' thêm một lần nữa, nếu không có lý do thật đặc biệt", ông Tuấn quan ngại.
Ông Tuấn đặt câu hỏi: "Các nỗ lực của chính phủ tìm cách thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, quảng bá của các khách sạn, các dịch vụ sẽ ra sao khi chính người Việt còn đắn đo sử dụng dịch vụ của chính mình? Hơn nữa, sắp tới khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN thì quan khách khu vực và quốc tế sẽ nhìn nhận Việt Nam thế nào?".
Khẳng định việc xử lý triệt để tình trạng trên không quá khó, ông Tuấn mong muốn Tổng cục Du lịch, các hiệp hội khách sạn, nhà hàng, lữ hành... cần lên tiếng mạnh với Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Hàng không, Sân bay Tân Sơn Nhất (và cả các sân bay khác).
Một số biện pháp được kiến nghị là thuê tư vấn độc lập đánh giá về vận chuyển, quản lý đồ đạc hành khách; sắp xếp, điều chuyển nhân sự trực tiếp liên quan đến công việc này; lắp camera để du khách tự theo dõi đồ cá nhân của mình,...
"Việc chấn chỉnh, nếu có quyết tâm và sức ép đủ mạnh có thể chỉ cần một tháng. Đây là công việc của thời kỳ 1.0 và 2.0. Việc này quá dễ, ngay trong tầm tay mà xử lý không nổi thì việc nói đến giấc mơ CMCN 4.0 sẽ rất khó để thuyết phục", đại sứ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo Ngọc Tân (Tri Thức Trực Tuyến)