Chia sẻ về những vụ án tranh chấp tài sản thừa kế, luật sư Trần Quốc Toản (SN 1972), Phó trưởng đại diện văn phòng luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, không gì xót xa hơn việc anh chị em trong gia đình đang vui vẻ, hòa thuận lại kéo nhau đi kiện cáo ở tòa.
Bởi dù thắng hay thua những người trong cuộc vẫn phải chịu những tổn thương sâu sắc. Vì thế khi tiếp nhận vụ kiện này, anh Toản đều cảm thấy không ít xót xa.
Luật sư Toản kể, hơn 10 năm trước, khi anh đang ngồi làm việc ở văn phòng, một người phụ nữ luống tuổi tên Nguyễn Thu Tâm (ở Đống Đa, Hà Nội) tìm đến nhờ tư vấn, giúp đỡ.
Trong cuộc nói chuyện với luật sư, bà Tâm cho biết, bố mẹ bà sinh được 5 người con. Trong đó, bà là con gái út, trên còn 3 chị gái và một anh trai là Nguyễn Văn Ngọc (57 tuổi), sống tại TP. Hồ Chí Minh.
Từ trước đến nay, cuộc sống của các anh em trong gia đình khá thuận hòa. Mỗi người đều lấy vợ, lấy chồng và ở riêng nơi khác. Duy chỉ có bà vẫn ở cùng, ngày ngày phụng dưỡng bố mẹ đẻ trong căn nhà ở phố Huế, Hà Nội. Cuộc sống của bà so với các anh chị khó khăn, vất vả hơn.
Tuổi già, bố mẹ ốm đau, bệnh tật, thường xuyên phải đi bệnh viện. Viện cớ ở xa xôi, những lúc như thế người anh trai đều phó thác mọi trách nhiệm chăm sóc bố mẹ lên hai vợ chồng bà. Hiếm hoi mới điện thoại ra Hà Nội, anh trai và chị dâu bà lại rỉ rả: "Thôi cô chú ở gần, có gì cô chú chăm sóc ông bà hộ anh chị...".
Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn sau khi bố mẹ bà mất hơn 1 năm. Người anh trai từ phương xa bất ngờ đòi họp gia đình. Vì bố mẹ không để lại di chúc nên ông Ngọc viện lý do mình là con trai một, yêu cầu được sở hữu căn nhà của bố mẹ.
Không những vậy, ông Ngọc còn yêu cầu gia đình bà Tâm ra khỏi căn nhà tại phố Huế ngay lập tức. Tuy nhiên ba người con còn lại trong gia đình phản đối. Họ đứng về phía em gái út và không muốn em dọn đi.
Cuối cùng, để chặn đứng ý định chiếm nhà của anh trai, họ quyết định làm giấy tờ nhường phần thừa kế căn nhà của mình cho em gái út. Họ lập đơn đề nghị theo đúng trình tự pháp luật, đưa ra chính quyền xác nhận, có người làm chứng. Tuy nhiên, người anh vẫn không bằng lòng. Mâu thuẫn ngày càng không thể hóa giải.
Luật sư Toản cho biết, điều đáng nói là anh trai bà Tâm rất giàu có. Sau khi được đào tạo ở nước ngoài, ông trở thành tổng giám đốc một công ty lớn ở TP.Hồ Chí Minh, sở hữu trong tay không ít bất động sản giá trị. Vậy nhưng từ TP Hồ Chí Minh, ông Ngọc vẫn nhiều lần bay ra Hà Nội để đòi em phải trả lại mình toàn bộ căn nhà. Đòi không được, ông quyết định khởi kiện ra tòa với lý do "đòi nhà để làm nơi thờ tự cho bố mẹ, tổ tiên".
Về phần mình, bà Tâm những tưởng sau khi các chị đã nhường phần của họ cho mình, mọi việc đã êm xuôi. Nhưng một ngày, bà bất ngờ nhận được giấy triệu tập của tòa án về việc anh trai kiện cáo đòi chia thừa kế. Bà bủn rủn cả chân tay.
Nghĩ đằng sau đơn kiện này có uẩn khúc, bà Tâm nhờ các chị mình nói chuyện với anh trai để rút đơn kiện. Họ dùng mọi lý lẽ, lập luận, kể cả vấn đề đạo đức làm con để luận bàn nhưng ông Ngọc phản bác. Ông cho rằng, mình là một thành viên trong gia đình nên dù có nhiều tiền, ông cũng phải được hưởng phần thừa kế. Vì thế, trước quyết định của các chị, các em, ông không đồng ý.
Thương em út thiệt thòi lại chịu nhiều uẩn ức, người chị cả nói chuyện với em dâu động viên chồng mình rút đơn kiện. Người vợ này cũng hiểu lý lẽ, bà tỷ tê thuyết phục ông nhưng rồi cũng đành bất lực trước sự quyết liệt đòi quyền thừa kế của chồng.
“Vì gia đình họ có 5 người con nên khi ra tòa, căn nhà của bố mẹ sẽ được chia làm 6 kỷ phần. 5 kỷ phần chia đều cho 5 người con và 1 kỷ phần chia thêm cho người con út vì có tính đến công lao gìn giữ ngôi nhà cũng như việc chăm sóc bố mẹ lúc tuổi cao, ốm đau bệnh tật. Vì vậy, nếu chia tài sản ra, ông Ngọc chỉ nhận được 1 phần 6 của ngôi nhà”, luật sư Toản cho biết.
Luật sư Toản cũng cho hay: "Lúc ra tòa, căn nhà được chia làm 7 kỷ phần vì có xem xét thêm công lao chăm sóc, đóng góp công sức của ba người con gái. Vì thế, kỷ phần này thuộc về 3 người họ. Do vậy, ông Ngọc chỉ nhận được 1 phần 7 kỷ phần của ngôi nhà".
“Thời điểm đó, việc định giá ngôi nhà bằng kỷ phần là 40 cây vàng. Tuy nhiên khi ra tòa, nhà nước định giá giá trị ngôi nhà trên chỉ còn 25 cây vàng. Theo đó, tòa phán quyết ngôi nhà này sẽ chia 7 kỷ phần, trong đó ông Ngọc được 1 kỷ phần, tức 3,5 cây vàng. Người em út sinh sống trong ngôi nhà có trách nhiệm thanh toán sô tiền trên cho anh mình theo quy định”, luật sư Toản cho biết.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vợ chồng người em út không có khả năng thanh toán số vàng cho anh trai. Biết được điều này, vị đại gia liên tục bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội ép em út bán nhà trả tiền cho mình. Cuối cùng, các chị gái phải góp tiền giúp em út trả anh trai số tiền trên. Họ cũng đồng thời tuyên bố "cạch mặt" ông Ngọc.
"Dù đã kết thúc, nhưng đây là vụ tranh chấp thừa kế để lại nhiều suy nghĩ trong cuộc đời làm luật sư của tôi. Bởi đôi khi, trong những vụ kiện như thế này, điều đáng nói không phải ở tài sản mà là ý thức, đạo đức của người được hưởng thừa kế. Dù thắng hay thua, tình cảm anh em bao năm gắn bó trong một mái nhà cũng bị sứt mẻ, không thể nào hàn gắn”, vị luật sư 45 tuổi chia sẻ.
Theo Hanh Thúy - Nhật Linh (VietNamNet)