Qua một số vụ án lớn được đưa ra xét xử gần đây cho thấy những nghi ngờ của dư luận về “lợi ích nhóm”, “sân sau” là có căn cứ.
Nhức nhối nạn tặng quà, chi hoa hồng
Trình bày báo cáo thẩm tra về công tác PCTN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp cao nhất, nhiều đại án về kinh tế, tham nhũng vừa qua đã được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của người dân.
Tuy nhiên, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp, thực thi pháp luật về PCTN chưa nghiêm. Cụ thể, công tác cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, dẫn tới tình trạng nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp; hoạt động công khai, minh bạch của các cơ quan, tổ chức còn hạn chế; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị còn nhẹ, chưa tương xứng với vụ việc, vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử trong thời gian qua…
Trong công tác kê khai tài sản, năm 2017 số lượng bản kê khai là rất lớn nhưng chỉ xác minh đối với 77 người/1.113.422 người đã kê khai (chiếm 0,007%), kết quả xác minh phát hiện ba trường hợp vi phạm, giảm nhiều so với các năm trước. “Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực nhưng không được phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận” - bà Nga nói.
Theo bà Nga, tình trạng tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức. Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi có phát hiện sai phạm.
“Qua một số vụ án xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng OceanBank và chi hoa hồng cho bác sĩ của Công ty Cổ phần VN Pharma… Ủy ban Tư pháp cho rằng đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và PCTN cần được Chính phủ đánh giá, nghiên cứu để có quy định ngăn chặn tình trạng này” - bà Nga dẫn chứng.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho rằng có tình trạng đại ca, đại gia làm hư hỏng cán bộ. Ảnh: TRỌNG PHÚ |
“Lợi ích nhóm”, “sân sau” đã rõ địa chỉ
Cũng theo bà Nga, ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. Một bộ phận cán bộ còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm. Thậm chí một số cán bộ, công chức còn có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp.
“Nếu như trước đây tình trạng “lợi ích nhóm”, “sân sau” mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri nhưng qua một số vụ án lớn được đưa ra xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ của dư luận, cử tri là có căn cứ” - bà Nga nói.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt đánh giá công tác PCTN có chuyển biến tích cực, đặc biệt việc khởi tố, điều tra, xét xử các vụ án lớn kể cả hình sự, kinh tế đã được dư luận rất quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên, ông Việt cũng bày tỏ sự lo ngại ở nhiều lĩnh vực, địa bàn.
“Có tình trạng đại gia, đại ca làm hư hỏng cán bộ, trong đó có cán bộ to, làm méo mó mối quan hệ đạo đức xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật khá phổ biến nhưng mình chưa quan tâm đúng mức. Tôi nghiệm lại mấy ông lớn đều có tội lớn của đại ca cả nhưng đối tượng đó còn ngoài vòng pháp luật. Đối tượng này thấy ít người nhắc đến nhưng dư luận xã hội còn nặng nề” - ông Việt nói.
Khâu phát hiện tham nhũng yếu
Theo chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu trong đấu tranh PCTN. Cụ thể, việc giải quyết tố giác, tin báo, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; vẫn còn việc vi phạm thời hạn, bỏ lọt tội phạm qua giải quyết tin báo, tố giác; vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận...
“Hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, cấp huyện hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm do cơ quan điều tra ở trung ương điều tra. Còn nhìn chung ở cấp tỉnh, việc phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng rất ít. Trong khi đó, theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở khu vực này vẫn còn nghiêm trọng, nhất là ở những tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản, có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, thậm chí là các tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa được hưởng các ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách nhà nước” - bà Nga nói.
Về nội dung này, Phó ban Công tác đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng khâu phát hiện tham nhũng kém là do nhiều vụ việc “thanh, kiểm tra xong cứ để đấy” thay vì công khai đúng thời gian quy định để người dân giám sát. Theo ông Đương, trong khi các vụ do Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm đều đúng thời hạn, chỉ rõ đâu ra đấy, xử lý từng người, tạo sự quan tâm rất đặc biệt, được dư luận đồng tình thì “vụ Yên Bái dân quan tâm mà mãi sao chưa công bố”. “Nhiều việc ta làm nhiều công sức, nỗ lực nhưng vì cái đó mà người ta cảm thấy có khuất tất, hiệu quả PCTN kém” - ông Đương dẫn chứng.
Ông Đương đặt câu hỏi và nhận định: “Phải chăng kiểm toán và thanh tra xử lý ít là do không có quyền tố tụng nên xử lý hết thẩm quyền hành chính? Mà trong lĩnh vực nhà nước thì hai ông này là quan trọng nhất để kiểm soát tham nhũng, còn công an xử lý các việc xã hội nhiều. Hai ông này mà ít thì chứng tỏ vấn đề phát hiện xử lý và trách nhiệm còn hạn chế”.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định công tác PCTN thời gian qua được Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc này rất tốt, được nhân dân ủng hộ. “Tuy nhiên, nhiều vụ việc phức tạp, thất thoát nhiều tài sản đều do Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện, xử lý, còn vụ việc do Thanh tra Chính phủ chưa làm được nhiều…”.
Theo Trọng Phú (Pháp Luật TPHCM)