Chiều 18/10, tại buổi họp báo trước kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV, trả lời câu hỏi của phóng viên về những đổi mới của QH, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, để các dự án luật chất lượng và thực sự đi vào cuộc sống, ngay trong quá trình thẩm tra, đã mở hội nghị chuyên trách để các đại biểu trao đổi, đồng thời tranh thủ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia. Nếu thấy chưa thực sự yên tâm khi thông qua dự án luật, QH sẽ tiếp tục thảo luận, lắng nghe. Chẳng hạn như Bộ luật Hình sự tại kỳ họp này, nếu thấy còn nhiều ý kiến khác nhau, sẽ kéo tiếp sang kỳ họp sau.
Ảnh minh họa - Nguồn Internet |
Tại các phiên thảo luận về kinh tế xã hội, ông Phúc cho biết, sẽ cố gắng thiết kế làm sao để các cuộc thảo luận trở thành tranh luận sôi nổi ở hội trường. Ngoài đăng ký phát biểu sẵn, ĐBQH có thể đăng ký phát biểu tranh luận bằng cách giơ tấm biển xin tranh luận. Với mỗi dự án luật, QH sẽ mời cơ quan trình luật, bộ trưởng sẽ trực tiếp trả lời và cùng trao đổi với các đại biểu để làm sáng tỏ vấn đề. Tại các phiên chất vấn, đặc biệt các phiên thảo luận có truyền hình trực tiếp về kinh tế xã hội, có thể sẽ kéo dài hơn so với thời gian quy định là 17 giờ như trước đây, làm sao để các đại biểu có thể phát biểu hết ý kiến.
Khoán xe công chưa hiệu quả
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc khoán xe công mà Bộ Tài chính đang thực hiện, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc này đã được Văn phòng QH thực hiện từ 10 năm trước, khi một vị Phó chủ nhiệm đã đi làm bằng xe ôm. Hiện nay một Phó chủ nhiệm Văn phòng QH, cùng nhiều cán bộ trong cơ quan của Quốc hội cũng đang thực hiện khoán xe công.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, cách khoán xe công như Bộ Tài chính hiện nay chưa thực sự hiệu quả, vì chỉ khoán từ nhà đến cơ quan với mức tính 15 nghìn đồng/ km thì cũng gần như giá xe công đổ xăng vào đi thôi, không làm giảm đầu xe, lái xe. Theo ông Phúc, phải chuyển mạnh mẽ khoán xe công sang xã hội hóa mới hiệu quả, mới gom được xe chung. “Chúng tôi đang thực hiện khoán xe công rồi và đang tiếp tục nghiên cứu, làm sao để hiệu quả tốt hơn”, ông Phúc nói.
Về vấn đề nợ công, ông Phúc cho biết, hiện nợ công vẫn trong giới hạn trần cho phép là 65% GDP. “Quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH là kiên quyết không để nợ công vượt giới hạn cho phép. Chính phủ cũng báo cáo không để vượt trần. Còn nếu để nợ công vượt trần thì cả QH và Chính phủ phải chịu trách nhiệm”, ông Phúc nhấn mạnh.
Kỳ họp thứ hai, QH khóa XIV kéo dài từ 20/10 – 23/11. Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật, 1 nghị quyết. QH sẽ dành 10 ngày thảo luận các báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước. |
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)