Đại biểu Quốc hội lên tiếng về việc ăn vài quả vải và uống siro cũng có thể bị phạt lỗi nồng độ cồn

03/01/2020 09:42:59

Trước vấn đều đang được dư luận đặc biệt quan tâm những ngày vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đã lên tiếng.

Từ 1/1/2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực. Đáng chú ý nhất trong Luật này chính là quy định "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Điều đó đồng nghĩa, người điều khiển xe đạp, xe máy hay ô tô... đều không được phép có cồn trong máu hoặc khí thở.

Đây là điểm khác biệt so với quy định trước đó. Vì theo quy định cũ, người điểu khiển phương tiện giao thông vẫn có thể có cồn trong máu hoặc khí thở, miễn chỉ cần dưới ngưỡng quy định là không phạm luật.

Trước điều luật nghiêm khắc trên, nhiều người tỏ ra hoang mang khi với quy định hiện tại, nhiều người thậm chí người ăn vài quả vải, dứa... hoặc uống siro ho khi thổi vào máy đo nồng độ cồn cũng báo "có cồn".

Đại biểu Quốc hội lên tiếng về việc ăn vài quả vải và uống siro cũng có thể bị phạt lỗi nồng độ cồn
Ăn vài quả vải cũng có thể dính nồng độ cồn

 

“Không riêng gì vải mà nhiều loại trái cây khác như: nho, sầu riêng, dứa, táo, chuối, xoài... thậm chí là một số loại siro ho hay thuốc uống khi lên men, ai ăn vào cũng xảy ra hiện tượng trên.

Chúng ta để ý vị giác cũng có thể nhận ra, bởi những loại quả trên khi để lâu ngoài môi trường sẽ có mùi cồn đặc trưng, thậm chí qua thời gian dài tiếp tục được chuyển hóa sang dạng axit nên có mùi chua”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết.

Về những băn khoăn trên, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẳng định, cá nhân ông không ủng hộ quy định "cấm 0% nồng độ cồn" khi tham gia giao thông.

"Tôi không nhấn nút thông qua quy định này khi Quốc hội biểu quyết", ông Hiếu nói.

Ông Hiếu nhấn mạnh, đa số các ĐBQH ủng hộ quy định trên, và đây là luật, luật ban hành thì nên ông ủng hộ. Tuy nhiên, theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, do có nhiều nguồn tạo ra cồn, như hoa quả, thức ăn hay một số loại thuốc, chứ không chỉ riêng rượu, bia nên cần phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành cụ thể, rõ ràng cho lực lượng chấp pháp thực hiện.

ĐBQH Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) cũng khẳng định việc đưa quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe" vào Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng cần phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành cụ thể, rõ ràng.

Bên cạnh đó, đại biểu Thái Trường Giang cũng cho rằng nên nghiên cứu làm sao để có được những loại máy đo có thể xác định được cồn trong máu, trong khí thở của người tham gia giao thông là từ rượu, bia hay nguồn nào khác.

Biên Thùy (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật