Các đại biểu cho rằng cần có giải pháp để quản lý hiệu quả hơn hoạt động mại dâm và đề xuất gom dịch vụ nhạy cảm vào một khu vực là hướng cần nghiên cứu.
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội sáng 25/10, một số đại biểu bày tỏ ủng hộ đề xuất lập khu dịch vụ nhạy cảm của lãnh đạo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM. Theo ông Trương Trọng Nghĩa, không phải ngẫu nhiên ở những quốc gia phát triển, có điều kiện nhân quyền, tiêu chuẩn sống cao, luật pháp nghiêm minh, họ chọn phương án gom các dịch vụ nhạy cảm lại để quản lý.
Ví dụ ở Hà Lan, họ gom lại một số địa điểm nhất định và chỉ cho dùng ma tuý nhẹ, còn sử dụng bên ngoài sẽ bị phạt rất nặng. Ở Hà Lan cũng có khu đèn đỏ, nhưng có ai nói ở Hà Lan thuần phong mỹ tục băng hoại, công dân, phụ nữ bị đối xử tệ hại?
|
Đề xuất lập khu dịch vụ nhạy cảm đang có nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa: Việt Dũng. |
Đại biểu Nghĩa cho biết, Việt Nam không muốn công nhận, nhưng thực trạng lại rất phức tạp và bất lực không thể ngăn chặn. “Đã đến lúc chúng ta chấp nhận nhà nước pháp quyền, hội nhập, đất nước văn minh thì phải chấp nhận cách làm, lấy mục đích, tiêu chí đặt lên trên hết. Có những cái mấy chục năm trước chúng ta có thừa nhận đâu, nhưng bây giờ cũng phải thừa nhận”, ông Nghĩa nói.
Ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng chia sẻ, lâu nay Việt Nam vẫn coi mại dâm, hút chích ma túy là tệ nạn xã hội. Tại một cuộc hội thảo, có ý kiến cho rằng phải coi những cái đó là hiện tượng xã hội. "Đề xuất lập khu dịch vụ nhạy cảm phải được nghiên cứu thật kỹ, chúng tôi cũng đang cân nhắc, chưa nói ủng hộ hay không", ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, một số nước đưa những hoạt động nhạy cảm vào khu phố để quản lý được tốt hơn, không chỉ quản lý người hành nghề mà còn cả cán bộ công chức. Nếu cán bộ công chức "mon men" đi vào khu đó có nghĩa là có vấn đề. Thực tế tất cả nước trên thế giới đều thấy, cái gì càng cấm càng bùng lên.
“Tôi đồng ý với đề xuất của TP HCM”, đại biểu đoàn thành phố Hải Phòng Trần Ngọc Vinh bày tỏ quan điểm và cho rằng, trên thực tế những dịch vụ nhạy cảm vẫn tồn tại. Nhiều biện pháp đã được đưa ra nhưng không dẹp được. Do đó, cần có những khu dịch vụ nhạy cảm để quản lý, ngoài khu đó ra thì phải xử lý hình sự.
Trả lời câu hỏi việc lập khu dịch vụ nhạy cảm có đồng nghĩa với lập phố đèn đỏ, ông Vinh cho rằng đó chỉ là cách dùng từ ngữ, còn về bản chất là đúng là như vậy. Ví dụ ngày xưa không dám nói tới “thất nghiệp”, mà nói tránh là “chưa có công ăn việc làm”, hay thay từ “đình công” bằng “ngừng việc tập thể”. “Bản chất như thế nào mới là quan trọng. Theo tôi, phải gọi đúng cái tên theo bản chất, không nên né tránh”, ông Vinh nói.
Trước đó ngày 23/10, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, ông Lê Văn Quý, Chi cục phó Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM, nêu ý kiến cần quy hoạch khu vực dịch vụ nhạy cảm ở một số tỉnh thành. Nơi thí điểm là địa phương trọng điểm về tình hình mại dâm, như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định...
>> "Phố nhạy cảm" khác phố mại dâm thế nào?
>> Lập khu “nhạy cảm” chứ không cho phép mại dâm
>> Hà Nội: Mánh khoé của gái mại dâm tại “phố đèn đỏ” giá bèo
Theo Võ Hải (VnExpress.net)