“Tôi thấy hầu như năm nào trong báo cáo của Chính phủ đều nêu hạn chế này. Vì sao như vậy? Chính phủ cần thanh tra, kiểm tra để xác định bản chất vấn đề, phát hiện sai phạm để xử lý, chấn chỉnh”, ông Học phát biểu và nhấn mạnh cử tri quan tâm và cần có câu trả lời là có chấn chỉnh được tình trạng này không, khi nào sẽ khắc phục được?
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an Nghệ An) đề nghị chấm dứt tình trạng cán bộ vi phạm cả năm nhưng không xử lý được. Theo ông, bộ máy thực thi công vụ kể cả trung ương và địa phương chuyển động còn chậm chạp, trong khi lãnh đạo cấp trên đã chuyển mạnh.
Đối với những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, ông Cầu thẳng thắn nói: “Cần mạnh tay đuổi việc, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp”.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp mạnh chấn chỉnh lại kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính. Ảnh: Quốc hội |
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, cần xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực. “Phải lấy quyền lực để kiểm soát quyền lực, lấy đạo đức để kiểm soát quyền lực, lấy lòng dân để kiểm soát quyền lực, lấy thông tin đại chúng để kiểm soát quyền lực”, ông nói.
Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng lưu ý đến việc tăng cường tính minh bạch, giải trình thông qua cơ chế đối thoại với dân.
“Cần cải cách chế độ tiền lương, xây dựng cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát cán bộ, công chức… để những kẻ bất tài vô hạnh không thể, không muốn và không dám chạy chức, chạy quyền, không dám tham nhũng’, ông Vân phát biểu.
Theo Nguyễn Hoài (VnExpress.net)