- Việc đưa vào chương trình giám sát 1.000 cán bộ cấp cao là quyết định quan trọng để thực hiện chủ trương làm trong sạch đội ngũ cán bộ nắm vị trí, trọng trách lớn nhất của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước. Dù chỉ là một bước triển khai các nghị quyết từ đại hội 11, 12 nhưng đây là bước đi mang tính đột phá trong công tác cán bộ.
Đột phá ở đây là kiểm tra, giám sát với tất cả người đứng đầu, đặc biệt những trường hợp có tố cáo, có ý kiến của dư luận về vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, hoặc tham nhũng.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Quochoi.vn |
- Quy định chỉ nói đến việc giám sát tài sản của cán bộ cấp cao mà không có cán bộ địa phương, điều này được hiểu như thế nào?
- Có những ý kiến nêu ra là tại sao không làm với những cán bộ khác vì theo báo cáo tình trạng cán bộ tham nhũng do Tổng thanh tra Chính phủ trình bày trước kỳ họp thứ 2 của Quốc hội thì "tham nhũng xảy ra ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực". Tuy nhiên, tôi cho rằng 1.000 cán bộ cấp cao là phần đầu tiên đưa vào diện kiểm tra. Còn lại, Đảng chỉ đạo cho các địa phương, bộ ngành tiếp tục rà soát các cán bộ trong phạm vi của mình chứ không phải là không làm.
Thứ hai là nếu đã giám sát được tài sản của cán bộ cao cấp nhất thì câu chuyện kiểm tra cán bộ cấp dưới là bình thường. Trước hết, cần làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong cơ quan nhà nước, sau đó mới đến cơ quan khác. Cần ưu tiên những nơi có ảnh hưởng, quyết định lớn nhất đến công tác cán bộ và sử dụng tài sản, ngân sách nhà nước.
Vì vậy, tôi cho rằng quy định 85 này là tuyên ngôn quan trọng về thái độ của Đảng với việc chống tiêu cực, tham nhũng. Như Tổng bí thư đã phát biểu "không có vùng cấm", "nhốt các tiêu cực tham nhũng vào lồng pháp luật" chính là ở chỗ này. Quyết định 85 có ý nghĩa tạo niềm tin của đảng viên, nhân dân với đảng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
- Từ trước đến nay cán bộ vẫn phải kê khai tài sản nhưng việc này không đem lại hiệu quả phòng chống tham nhũng. Làm thế nào để giám sát việc cán bộ tẩu tán tài sản, thưa ông?
- Dư luận và nhân dân có ý kiến việc giám sát tài sản cán bộ cấp cao cần bảo đảm làm thật, khách quan, đến cùng, chứ không phải khi thấy có việc tẩu tán tài sản hay tẩu tán nhân sự như vừa qua thì dừng lại và cho rằng không làm được. Việc này cần có những biện pháp hữu hiệu để đi đến cùng.
Ví dụ cần xem xét việc kê khai tài sản hàng năm, diễn biến tài sản như thế có đúng không. Căn cứ vào thu nhập của các cán bộ, hoạt động kinh tế để xem có được khối tài sản lớn như thế không? Hay việc con cháu, anh em, người thân của họ làm sao lại được bổ nhiệm vào những vị trí cao, nắm những khối tài sản lớn như thế? Hay những người thân của họ đã già, hết tuổi lao động, nguồn thu nhập không đáng kể nhưng tại sao lại có khối tài sản khủng? Những trường hợp như vậy phải xem xét, nếu không lí giải được thì cũng phải có biện pháp xử lý.
Việc giám sát không làm đến nơi đến chốn, người dân vẫn thắc mắc thì câu chuyện "đánh rắn giữa khúc, làm nửa vời" càng làm mất giá trị của công việc này.
- Việc chọn người tham gia giám sát cần làm như thế nào để đảm bảo khách quan?
- Bên cạnh nghiệp vụ, đó phải là những người trong sạch, không tì vết, tâm huyết với phòng chống tham nhũng và phải có biện pháp bảo vệ những người này.
Quá trình giám sát phải dựa vào Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, dựa vào nhân dân, báo chí để hỗ trợ cho hoạt động của Đảng, đảm bảo tính khách quan, dân chủ. Vấn đề này được nhân dân và đảng viên lão thành ủng hộ. Tôi mong Đảng đã đề ra thì quyết tâm làm đến cùng.
- Thực tế cho thấy việc xử lý những sai phạm ở cấp cao không phải chuyện dễ dàng, người dân vẫn còn tâm lý "ném chuột sợ vỡ bình", ông nghĩ sao?
- Khi Đảng đã kỷ luật những người ở Bộ chính trị rồi thì việc kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ cấp cao cũng không có gì đáng sợ. Chuyện đi tiếp đến đâu phải dựa trên chứng cứ, lý lẽ, tài liệu. Thứ hai là sự kiện này thu hút mạnh mẽ nhân dân, báo chí và tổ chức xã hội, thậm chí cả quốc tế tham gia giám sát. Tôi hy vọng việc này có tiến triển tốt. Nhưng cũng phải thừa nhận đây là việc rất khó khăn.
Giám sát tài sản của 1.000 con người là không hề đơn giản. Có nhiều việc làm bây giờ hết sức tinh vi, vì vậy cần nhiều sự cố gắng, thận trọng, khách quan, toàn diện. Mặt khác, cần phải thông tin kịp thời đến đảng viên và nhân dân quá trình thực hiện công việc, có kết luận rõ ràng để niềm tin luôn được củng cố.
Theo Hoàng Thùy (VnExpress.net)