Sáng 18/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và các đơn vị liên quan đã công bố kết quả trên.
Theo ông Tạ Văn Sơn, Chi cục trưởng Thủy sản Hà Nội, ngày 22/10 tổ công tác tại hồ Đông Mô bẫy bắt được con rùa mai mềm. Các đơn vị liên quan đã cân, đo và lấy mẫu rùa gồm: mẫu máu, mẫu mô... gửi đi xét nghiệm gen. Con rùa sau đó được thả lại hồ.
Sau 13 năm kể từ ngày phát hiện, cơ quan chức năng và các nhà bảo tồn đã xác định được giới tính cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, tạo cơ sở để tiến tới nhân giống, phục hồi loài rùa quý hiếm nhất thế giới.
Nhằm thực hiện Kế hoạch Bảo tồn các cá thể giải Swinhoe (rùa Hoàn Kiếm) tại các hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030, ngày 22/10/2020, cơ quan chức năng phối hợp với các chuyên gia bảo tồn đã bắt được một cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô. Tổ công tác cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đã thống nhất kiểm tra hình thái và lấy mẫu máu, mẫu mô.
Kết quả xác định ban đầu cho thấy cá thể rùa hồ Đồng Mô nặng 86kg, chiều dài mai 99,5cm, rộng mai 75,5cm. Các nhà khoa học cũng dùng máy siêu âm do các chuyên gia của WCS thực hiện để xác định giới tính và cho ra kết quả giống cái.
Để khẳng định chắc chắn cá thể rùa ở hồ Đồng Mô cùng loài với cụ rùa hồ Gươm, các nhà khoa học đã tiến hành lấy mẫu gửi đến hai phòng thí nghiệm là Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và Phòng Tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn – Viện Tài nguyên và Môi trường – Đại học Quốc gia Hà Nội. Kết quả phân tích gene của cả 2 đơn vị đều cho một kết quả, kết luận mẫu phân tích thuộc loài Giải Sin-hoe hay còn gọi là rùa Hoàn Kiếm.
Như vậy, đã có bằng chứng khoa học chắc chắn khẳng định cá thể ở hồ Đồng Mô cùng loài với cụ rùa hồ Gươm. Việc xác định giới tính cũng mở ra cơ hội nhân giống loài rùa quý hiếm nhất thế giới.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, theo báo cáo, hiện nay có ít nhất 2 cá thể rùa đã được phát hiện tại hồ Đồng Mô. Ngoài ra, còn một cá thể rùa Hoàn Kiếm đã được phát hiện tại hồ Xuân Khanh. Dự kiến đến năm 2021, cơ quan chức năng sẽ tiến hành bẫy bắt cá thể rùa Hoàn Kiếm này để xác định giới tính.
Theo Kế hoạch Bảo tồn các cá thể giải Swinhoe của UBND thành phố Hà Nội, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, xác minh số lượng cá thể, giới tính rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và Xuân Khanh.
Dự kiến giai đoạn 2021- 2025 sẽ nghiên cứu đặc điểm sinh học, điều kiện tự nhiên, môi trường phù hợp làm căn cứ đề xuất kế hoạch ghép đôi sinh sản, nếu được. Từ đó đến 2026 sẽ thực hiện các dự án bảo tồn, ghép đôi sinh sản, ương nuôi giống loài rùa Hoàn Kiếm, tiến tới phục hồi quần thể loài rùa quý hiếm nhất thế giới và là biểu tượng tâm linh của người Hà Nội.
Rùa Hoàn Kiếm (còn có tên là giải Swinhoe, Rafetus swinhoei) được mô tả lần đầu tiên từ năm 1873, nhưng thực tế có rất ít nghiên cứu về loài rùa mai mềm khổng lồ này. Rùa Hoàn Kiếm hiện còn bốn con, trong đó hai ở Trung Quốc, một ở Đồng Mô và một ở Xuân Khanh. Con rùa Rafetus swinhoei duy nhất sống ở Hồ Gươm đã chết vào tháng 1/2016.
Từ năm 2003, Chương trình bảo tồn rùa châu Á thực hiện các cuộc điều tra phỏng vấn tại nhiều khu vực thuộc 18 tỉnh miền Bắc Việt Nam để tìm kiếm. Loài rùa đặc biệt này từng được tìm thấy tại hầu hết khu vực thuộc đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, chúng đã bị săn bắt mạnh mẽ trong suốt thập niên 1970 và 1980, cho đến tận những năm cuối của thập niên 1990.
Con rùa Hoàn Kiếm vừa bẫy bắt ở hồ Đồng Mô được các nhà bảo tồn của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á phát hiện lần đầu vào năm 2007. Năm 2008, trong trận lụt lịch sử của Hà Nội, nó đã lọt ra ngoài hồ và bị ngư dân bắt. Nhờ sự vận động của cơ quan chức năng và giới bảo tồn, rùa Hoàn Kiếm được đưa lại hồ và được theo dõi đến ngày nay.
HP (Nguoiduatin.vn)